Lạm phát lõi của Nhật Bản lại tiến sát 3%, làm tăng sức ép buộc ngân hàng trung ương chấm dứt chính sách lãi suất âm.
Số liệu do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố ngày 24/11 cho thấy lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm) là 2,9% trong tháng 10. Trước đó, số liệu này đã đi xuống 4 tháng liên tiếp, về 2,8% trong tháng 9 – lần đầu tiên dưới 3% kể từ tháng 8/2022.
Lạm phát nước này đã cao hơn mục tiêu 2% của BOJ suốt 19 tháng qua. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định sức ép giá là do giá hàng hóa toàn cầu cao và đồng yen yếu. Họ không cho rằng giá cả tại Nhật Bản đã tăng bền vững nhờ nhu cầu nội địa và lương.
Dù vậy, số liệu lạm phát mới nhất sẽ củng cố thêm kỳ vọng của nhà đầu tư rằng BOJ sớm chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ. “Tôi dự báo ngân hàng trung ương sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm và dừng kiểm soát lợi suất sớm nhất là tháng 4 năm sau, nếu họ thấy hiệu quả từ các cuộc đàm phán lương và các doanh nghiệp bắt đầu tăng giá sản phẩm”, Yoshimasa Maruyama – Kinh tế trưởng tại SMBC Nikko nhận định trên Reuters.
Sau hai quý liên tiếp đi lên, GDP Nhật Bản quay đầu giảm trong quý III, do tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp yếu. Takeshi Minam – nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Norinchukin – thì cho rằng tiêu dùng tại Nhật Bản sẽ vẫn yếu. Điều này khiến các công ty còn chần chừ nâng giá sản phẩm.
Tính chung 10 tháng đầu năm, lạm phát lõi của Nhật Bản là 4%, chậm lại so với 4,2% trong 9 tháng đầu. Dù vậy, số liệu này đã trên 4% suốt 7 tháng liên tiếp.
Nhiều nhà phân tích cho rằng chính sách kiểm soát lợi suất đã trở nên lỗi thời. Hiện tại, Nhật Bản áp mức trần với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm là 1%. Lãi suất tham chiếu kỳ hạn 1 năm hiện là -0,1%.