Trong khi lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt tại Mỹ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được cho là “không mấy hào hứng” với điều này, bởi họ lo ngại nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng giảm phát.
Theo CNN, sau khi trải qua đợt tăng giá “chóng mặt” trong suốt hơn hai năm, việc giảm giá tại một số cửa hàng chắc chắn sẽ giống như một quãng thời gian nghỉ ngơi cần thiết. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, kinh tế gia và những “ông trùm” đầu tư lại không mấy hào hứng với điều đó.
Nhà đầu tư công nghệ Cathie Wood, người sáng lập ARK Investment Management, nói với The Wall Street Journal trong một bài báo được xuất bản hôm 15/11 rằng bà lo lắng về vấn đề giảm phát khi giá cả sụt giảm.
“Chúng ta ngày càng thấy nhiều dấu hiệu về tình trạng này” – bà nói, đề cập đến tình trạng giảm phát.
Giám đốc Điều hành Ted Decker nói với các nhà đầu tư về báo cáo thu nhập của công ty hồi đầu tuần trước rằng giá các mặt hàng như đồng và gỗ giảm đã “tác động tiêu cực” đến thu nhập quý 3 của Home Depot.
“Trung bình, giá gỗ đóng khung là khoảng 420 USD trên 1.000 feet (gần 305m) ván so với khoảng 545 USD trong quý 3 năm 2022, giảm hơn 20%” – Billy Bastek, Phó Chủ tịch Điều hành Kinh doanh của Home Depot, cho biết.
“Các giao dịch có giá trị lớn, hoặc những giao dịch trên 1.000 USD, đã giảm 5,2% so với quý 3 năm ngoái” – ông Bastek cho biết thêm.
Tại sao người ta không mua nhiều hơn khi giá thấp hơn?
Một trong những bài học đầu tiên các sinh viên được học trong Economics 101 (Kinh tế học 101) là khi giá của một hàng hóa cao hơn thì người ta sẽ đòi hỏi ít hơn về hàng hóa đó. Nhưng khi giá của một hàng hóa thấp hơn, người ta lại đòi hỏi nhiều hơn về nó.
Nhưng vấn đề với giảm phát là khi mọi người bắt đầu mong đợi mức giá thấp hơn trong tương lai, họ sẽ có ít động lực để mua hàng ngay từ bây giờ. Ví dụ, trừ khi thật sự cần thiết, vì sao bạn lại mua một chiếc lò nướng mới ngay hôm nay, nếu bạn tin rằng giá sẽ giảm đáng kể trong một tháng tới?
Khi có đủ nhiều người nghĩ theo cách đó, đám đông sẽ gây ra sự sụt giảm lớn trong chi tiêu. Điều đó có thể gây ra suy thoái kinh tế, bởi doanh nghiệp sẽ không có tiền để tuyển thêm lao động và mở rộng sản xuất.
Giảm phát không phổ biến ở Mỹ
Giảm phát không phải là một vấn đề phổ biến ở Mỹ, nơi cũng giống như nhiều quốc gia khác, đang trải qua tình trạng lạm phát.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, giá cả của tất cả hàng hóa và dịch vụ trong tháng 10 vừa qua đã thấp hơn 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá tiêu dùng ở Mỹ hiện cao hơn 3,2% so với một năm trước – theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất. Mặc dù người Mỹ vẫn phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ so với một năm trước, tốc độ tăng giá đã chậm lại đáng kể.
Điều đó cho thấy nhiều hàng hóa ở Mỹ rẻ hơn rất nhiều so với một năm về trước.
Ví dụ, giá trứng thấp hơn 22%, mức giảm giá hằng năm lớn thứ hai sau bảo hiểm y tế – theo dữ liệu CPI tháng 10.
Giám đốc Điều hành Walmart Doug McMillon cho biết hôm 16/11 rằng người tiêu dùng có thể sớm nhận được các mức giảm giá đồng đều hơn tại các cửa hàng tạp hóa. Ông cũng cảnh báo rằng Walmart – nhà bán lẻ có trụ sở tại Mỹ – có thể bước vào “môi trường giảm phát.”
Ngoài trứng, giá những hàng hóa khác như vé máy bay, xăng dầu, đồ gia dụng và điện thoại thông minh cũng rẻ hơn.
Preston Caldwell, nhà kinh tế trưởng Mỹ tại Morningstar, gọi đây là “giảm phát có chọn lọc.” Ông nói: “Điều đó đang giúp đẩy lạm phát tổng thể trở lại mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với mức độ tổn hại tối thiểu về tình trạng thất nghiệp và sản lượng bị mất.”
“Nói cách khác, nó có thể cho phép một cuộc ‘hạ cánh mềm’” – ông Caldwell nói với CNN.
Trong một diễn biến liên quan, sự lạc quan về động thái của Fed đã “nở rộ” trong tuần qua sau khi một loạt dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát tại Mỹ đang tiếp tục chậm lại.
Theo CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch hiện gần như chắc chắn rằng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp chính sách tháng 12 và sẽ không tiếp tục tăng lãi suất trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện nay./.
Theo Vietstock