Đây được cho là bước đi tiếp theo trong việc rút lại chính sách tiền tệ nới lỏng đã được Nhật Bản thực hiện trong 1 thập kỷ qua.
Theo kết quả từ cuộc họp hai ngày của Ngân hàng trung ương Nhật Bản, Ủy ban Chính sách của ngân hàng này cho phép lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vượt mức 1%, xem mức này là ngưỡng trên thay vì là mức trần cứng và bỏ cam kết bảo vệ mức trần này bằng việc mua trái phiếu với khối lượng không hạn chế.
Lãi suất ngắn hạn được đặt ở mức -0,1%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% theo chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, theo chính sách hiện tại.
Quyết định trên cho thấy việc lợi suất trái phiếu trên toàn cầu tăng và lạm phát cao dai dẳng đang gây khó khăn hơn cho Ngân hàng trung ương Nhật Bản trong việc duy trì chính sách kiểm soát đường cong lợi suất.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng khi triển vọng kinh tế và giá cả vẫn rất không chắc chắn. Trước đó, cơ quan này cập nhật dự báo lạm phát ở mức 2,8% trong cả tài khóa 2023 và 2024, vượt mức mục tiêu 2% mà ngân hàng mong muốn trong tài khóa thứ ba liên tiếp.
Ông Kazuo Ueda – Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản: “Mặc dù tình hình vẫn cực kỳ bất ổn, nhưng chúng tôi đã quyết định rằng việc thực hiện chính sách kiểm soát đường cong lợi suất linh hoạt hơn là phù hợp để lãi suất dài hạn có thể được hình thành trên thị trường tài chính thích ứng với những thay đổi trong tương lai”.
Phản ứng trước quyết định trên, đồng Yen đã giảm giá mạnh so với đồng USD khi các nhà giao dịch tập trung vào cam kết của Ngân hàng trung ương Nhật Bản trong việc duy trì chính sách kích thích và dự báo lạm phát sẽ giảm trở lại xuống dưới 2% trong năm 2025.
Vì sao Nhật Bản điều chỉnh chính sách tiền tệ vào thời điểm này?
Đúng như nhiều chuyên gia dự báo, trong cuộc họp lần này, Ngân hàng trung ương Nhật Bản chỉ có điều chỉnh đối với lãi suất dài hạn trong khi vẫn duy trì chính sách lãi suất âm đối với lãi suất ngắn hạn. Các chuyên gia nhận định, đợt điều chỉnh này chủ yếu là do tốc độ tăng của lãi suất dài hạn nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản, trong ngày 31/10 đã có thời điểm lên tới 0,955%, tiệm cận với giới hạn trên 1% được đưa ra trong cuộc họp trước đó.
Động thái điều chỉnh này cho thấy Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ chưa bình thường hóa chính sách tiền tệ, đây chỉ biện pháp để tạo ra sự linh hoạt cho lãi suất, khi mà áp lực tăng lãi suất của Nhật Bản đang rất lớn do sự chênh lệch lãi suất với Mỹ. Sự điều chỉnh này cũng nhằm ngăn chặn việc Nhật Bản phải mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ để kìm hãm đà tăng của lãi suất dài hạn, động thái có thể làm rối loạn thị trường và khiến đồng Yen tiếp tục mất giá sâu hơn.
Sau khi điều chỉnh được công bố, thị trường ngoại hối Tokyo chứng kiến xu hướng bán đồng Yen tăng mạnh, đồng Yen đã quay đầu giảm xuống mức 150 Yen đổi 1 USD.
Tác động của việc điều chỉnh chính sách tiền tệ
Nhìn chung các chuyên gia đánh giá, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã nới lỏng hơn với lãi suất dài hạn, nhưng cơ bản lãi suất dài hạn sẽ không tăng quá nhiều và vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Ngoài ra, các trụ cột khác của chính sách nới lỏng tiền tệ cơ bản vẫn được duy trì, do đó, kinh tế Nhật Bản cơ bản sẽ không chịu tác động quá lớn từ đợt điều chỉnh này.
Theo dự báo của thị trường, đồng Yen khó tăng trở lại, do vậy lạm phát của Nhật Bản sẽ vẫn cao trong thời gian tới khi chi phí nhập khẩu tăng cao. Tuy nhiên, mục đích chính của ngân hàng trung ương là tạo ra xu hướng tăng lương bền vững để đối phó với lạm phát, lạm phát hiện nay cao với yếu tố lạm phát chi phí đẩy, mức tăng lương hiện tại không làm cho lương thực tế tăng, nhưng nếu lạm phát giảm, ổn định ở mức 2%, Ngân hàng trung ương Nhật Bản kỳ vọng với mức tăng lương hiện nay, lương thực tế sẽ tăng, từ đó kích thích chi tiêu tiêu dùng để tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, hầu hết các nhà phân tích được hỏi đều dự báo Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ từ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trước cuối năm 2024, phần lớn cũng dự báo ngân hàng này sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào năm tới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định, đây không phải là một việc dễ dàng. Vì thay đổi chính sách có thể dẫn tới nhiều biến động mạnh, thậm chí những đứt gãy trên thị trường tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn đang ở vào một thế khó, mắc kẹt giữa một bên là đồng Yen mất giá và một bên là lợi suất trái phiếu tăng gây sức ép lên chủ trương kích thích kinh tế.
Theo cafeF