Tính đến ngày 20/10, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so cùng kỳ năm 2022, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,14 tỷ USD, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm gần 45% so với cùng kỳ năm trước. Bất động sản đánh mất vị trí thứ 2 trong trong bảng xếp hạng các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Tuy nhiên, kể từ tháng 7 đến nay, ngành này đã giành lại được ngôi vị á quân.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng so với cùng kỳ (2,4%) và so với 9 tháng đầu năm (0,2 điểm %). Các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, tăng 14,7% so với cùng kỳ và tăng 7 điểm % so với 9 tháng. Số dự án đầu tư mới cũng tăng 66,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư điều chỉnh tuy vẫn giảm, song số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… Cụ thể là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Bình Dương…
Các nhà đầu tư đến từ Châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan). Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 81,7% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 10 tháng.
So với giai đoạn cuối tháng 6/2023, vốn ngoại đăng ký vào bất động sản tăng thêm khoảng 610 triệu USD, đạt 1,53 tỷ USD. Con số tăng thêm này gần bằng con số của 3 tháng đầu năm (gần 766 triệu USD).
Trong một diễn biến liên quan, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản đã trở nên sôi động hơn trong quý III vừa qua, cho thấy sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam, theo CBRE.
Ngoài các thương vụ M&A, nổi bật trong quý III còn có sự hợp tác giữa các chủ đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là việc hợp tác chiến lược của Tập đoàn Kim Oanh và Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) và khoản đầu tư từ Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) vào Tập đoàn Hưng Thịnh.
Theo chuyên gia CBRE, hoạt động M&A và kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư đang giúp các chủ đầu tư tìm ra lối thoát cho các dự án chậm tiến độ do thiếu vốn.
Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cũng đánh giá, hoạt động M&A vẫn duy trì được sự quan tâm. Một số chủ đầu tư thay vì nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ dự án đã cố gắng theo đuổi bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện dự án.
Nhiều nhà đầu tư ngoại cũng đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần. Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia,… Quy mô vốn cho mỗi thương vụ khoảng từ 20 – 50 triệu USD. Nhóm này thường ưu tiên dự án pháp lý sạch, có tiềm năng trong tương lai, vị trí đẹp và giá bán giảm 10 – 20%. Theo VARs, nhà ở và bất động sản công nghiệp vẫn là hai phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm và tìm kiếm của các nhà đầu tư.
Theo investing