Đồng yên xuống đáy năm do áp lực mất giá đối với đồng yên tăng lên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Tỷ giá đồng yên xuống đáy năm khi giảm dưới mốc nhạy cảm 150 yên đổi 1 USD, một lần nữa làm đẩy cao khả năng Chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ, đồng thời gia tăng sức ép đòi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.
Theo dữ liệu từ hãng tin Reuters, đồng yên có lúc giảm còn 150,32 yên “ăn” 1 USD – mức tỷ giá thấp nhất của đồng tiền Nhật kể từ tháng 10/2022 – thời điểm diễn ra lần gần đây nhất Bộ Tài chính Nhật can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.
Phản ứng với diễn biến tỷ giá mới nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki tiếp tục cảnh báo giới đầu cơ không nên bán khống đồng yên. “Tôi vẫn đang theo dõi các diễn biến trên thị trường với một tinh thần cấp bách”, ông Suzuki nói với các nhà báo có mặt tại trụ sở bộ.
Mốc 150 yên đổi 1 USD được thị trường tài chính xem là giới hạn có thể dẫn tới sự can thiệp của nhà chức trách, nhưng ông Suzuki không đề cập tới vấn đề can thiệp thị trường trong phát biểu sáng nay. Gần đây, đồng yên đã có một số lần giảm quá mốc này, nhưng nhanh chóng hồi phục sau đó, một phần do tâm lý lo ngại của thị trường về việc Tokyo có thể can thiệp.
Áp lực mất giá đối với đồng yên tăng lên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, kéo giãn thêm khoảng cách lợi suất trái phiếu chính phủ giữa Mỹ và Nhật Bản. Chênh lệch lợi suất và sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Nhật Bản – với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất trong hơn 1 năm rưỡi qua trong khi BOJ trung thành với lãi suất ngắn hạn âm và chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) để giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp – là nguyên nhân chính khiến đồng yên mất giá.
Trong phiên giao dịch ngày 25/10, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng thêm gần 11 điểm cơ bản, lên mức 4,95%. Đầu tuần này, lợi suất của kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 5%, cao nhất kể từ năm 2007. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản cùng kỳ hạn đang ở mức 0,88%.
Trong bối cảnh như vậy, BOJ đang đối mặt với sức ép phải dịch chuyển chính sách tiền tệ, trước mắt là tiếp tục điều chỉnh chính sách YCC – tức biên độ dao động của trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm, dù biên độ này mới được nới rộng cách đây 3 tháng. Đây có thể sẽ là một chủ đề nóng tại cuộc họp chính sách tiền tệ của BOJ vào tuần tới.
“Xu hướng mất giá liên tục của đồng yên đang gây áp lực lên chính sách tiền tệ của Nhật Bản, về việc có nên tăng phạm vi của YCC hay không, loại bỏ YCC hay chấm dứt lãi suất âm”, chuyên gia Koji Fukaya của công ty tư vấn Market Risk Advisory ở Tokyo nhận định với hãng tin Bloomberg.
Theo quan điểm của ông Fukaya, tỷ giá đồng yên sẽ tiếp tục giằng co trong vùng hẹp trong thời gian trước mắt, vì khả năng can thiệp thị trường ngoại hối ngăn rủi ro tỷ giá yên giảm sâu hơn, trong khi chênh lệch lợi suất trái phiếu Mỹ-Nhật khiến đồng yên khó phục hồi.
Tháng 9 và tháng 10 năm ngoái, Bộ Tài chính Nhật Bản đã chi khoảng 9 nghìn tỷ yên, tương đương 60 tỷ USD, trong 3 lần can thiệp vào thị trường ngoại hối. Đó là đợt can thiệp để bảo vệ tỷ giá yên đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 1998. Năm nay, đồng yên đã mất giá khoảng 13% so với USD, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất trong nhóm 10 đồng tiền chủ chốt của thế giới (G10).
Theo Vneconomy