Mỹ sẽ vẫn là trung tâm của bức tranh thương mại, tài chính và địa chính trị toàn cầu thay vì sớm bị Trung Quốc soán ngôi như dự báo. Quốc tếTrung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội vàng để vượt Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giớiHoàng Yến • {Ngày xuất bản}Mỹ sẽ vẫn là trung tâm của bức tranh thương mại, tài chính và địa chính trị toàn cầu thay vì sớm bị Trung Quốc soán ngôi như dự báo.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã đạt được những bước đột phá cả về tăng trưởng kinh tế và quyền lực. Tuy nhiên, thời gian gần đây ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu “phép màu kinh tế” dường như đã chấm dứt. Con đường để kinh tế Trung Quốc tiến xa hơn nữa trong những năm sắp tới sẽ khó khăn, gập ghềnh hơn trước nhiều lần.
Tuy nhiên, liệu điều đó có đồng nghĩa Trung Quốc đã mất đi cơ hội để soán ngôi Mỹ?
Yahoo Finance đưa ra cái nhìn sâu hơn để trả lời cho câu hỏi này.
Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc
Sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng từ 293 USD ở thời điểm năm 1985 lên hơn 12.000 USD trong năm 2021. Nước này có nhiều yếu tố thuận lợi để tạo nên phép màu kinh tế: cơ cấu dân số vàng, xuất khẩu và đầu tư bùng nổ.
Nhiều năm liền là nước đông dân nhất thế giới (gần đây mới bị Ấn Độ thay thế), Trung Quốc sở hữu lực lượng lao động hùng hậu với chi phí nhân công rất thấp để sản xuất khối lượng hàng hóa khổng lồ phục vụ xuất khẩu. Song song với đó, Chính phủ mạnh tay đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kinh tế Trung Quốc chuyển từ tập trung vào xuất khẩu sang nền kinh tế dẫn dắt bởi tiêu dùng. Mô hình đó đang đứng trước nhiều rủi ro.
Gió ngược từ tứ phía
Những căng thẳng thương mại gần đây với Mỹ – được châm ngòi từ thời ông Trump và tiếp tục leo thang dưới thời Tổng thống Joe Biden – đã phá vỡ mối quan hệ cộng sinh vốn đóng vai trò quan trọng trong phép màu kinh tế mà Trung Quốc tận hưởng trong suốt hơn 40 năm qua.
Trong khi đó, tiền lương tăng rất nhanh khiến Trung Quốc không còn lợi thế nhân công giá rẻ. Năm 2022, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ tăng trưởng 3% – tốc độ thấp nhất kể từ giữa những năm 1970 (loại trừ năm 2020 bị ảnh hưởng bởi đại dịch).
Đó không phải là thay đổi duy nhất mà Trung Quốc đang trải qua. Không chỉ không còn là nước đông dân nhất thế giới, dân số Trung Quốc còn bước vào giai đoạn suy giảm mà theo ước tính của UN thì đến năm 2080 số dân sẽ giảm xuống dưới 1 tỷ người. Đến năm 2100 con số sẽ còn chưa đến 800 triệu người.
Và có lẽ mối đe dọa lớn nhất đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc là lĩnh vực bất động sản. Đây vẫn được coi là kênh an toàn nhất để tiết kiệm và bảo vệ vốn ở trung Quốc. Hiện bất động sản chiếm tỷ trọng lên tới 25% GDP. Giá nhà lao dốc và sự sụp đổ của những ông lớn như Evergrande (HK:3333) có thể dẫn đến 1 cuộc khủng hoảng nợ.
Điều này tác động như thế nào đến thế giới?
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới giúp Trung Quốc nâng cao đáng kể tầm ảnh hưởng địa chính trị trong những thập kỷ gần đây. Do đó, nếu Trung Quốc suy yếu, phần còn lại của thế giới cũng thay đổi. Đồng nghĩa Mỹ sẽ vẫn là trung tâm của bức tranh thương mại, tài chính và địa chính trị toàn cầu trong thời gian lâu hơn so với dự báo trước đây.
GDP bình quân đầu người của Mỹ hiện ở mức 75.269 USD – lớn gấp 6 lần Trung Quốc. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,1% trong quý gần nhất, và tăng trưởng được dự báo vẫn vững chắc cho đến năm 2033. Đồng USD vẫn thống trị thương mại toàn cầu, trong khi Mỹ chiếm 12,4% hoạt động kinh tế toàn cầu.
Rất khó để dự đoán chính xác tương lai kinh tế Mỹ hay Trung Quốc khi mà bức tranh địa chính trị thế giới đang thay đổi chóng mặt và chúng ta đang đứng trươc rất nhiều công nghệ đột phá. Trung Quốc vẫn có cơ hội để vượt qua đối thủ lớn nhất, nhưng khả năng thành công đã giảm đi đáng kể so với mấy năm trước.
Các nhà hoạch định chính sách cũng như nhà đầu tư trên toàn thế giới nên chuẩn bị cho 1 thế giới mà Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng vượt trội không còn là điều hiển nhiên.
Theo Người Quan Sát