Mặt bằng lãi suất huy động đi ngang trong khi cho vay được dự báo tiếp tục giảm. Tài chính Ngân hàngLãi suất cho vay được dự báo tiếp tục giảm trong quý 4/2023.
Nhận định về tình hình lãi suất trong thời gian tới, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng mặt bằng lãi suất huy động đi ngang trong khi lãi suất cho vay được dự báo tiếp tục giảm 0,25% trong 4Q2023.
KBSV dự báo lãi suất huy động sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 5,45% (giảm 2,8% so với đầu năm). Lãi suất cho vay đã giảm nhanh hơn trong giai đoạn 3Q2023 do các nguồn huy động chi phí cao đáo hạn, tuy nhiên tình trạng nợ xấu tăng nhẹ trong 3Q2023, việc NHNN giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 34% xuống 30%, và áp lực từ lạm phát và tỷ giá gây cản trở đà giảm có thể tiếp tục xa hơn.
KBSV dự báo lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm 0,25% trong 4Q2023, giảm 1,75%-2,25% so với đầu năm.
Theo KBSV, các yếu tố hỗ trợ đà giảm lãi suất là các chính sách nới lỏng có độ trễ. Do các khoản huy động của hệ thống ngân hàng phần lớn từ tiền gửi khách hàng (chiểm tỷ trọng khoảng 70%-80%) có kỳ hạn chủ yếu từ 6 -12 tháng khiến cho chi phí vốn nửa đầu năm của ngân hàng vẫn ở mức cao. Vì vậy, khi các khoản tiền gửi này đạo hạn sẽ làm giảm COF của hệ thống, qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay.
Đồng thời, tăng trưởng tín dụng đã có cải thiện gần đây nhưng vẫn ở mức thấp so với mục tiêu 14% -15%. Dư địa cho vay còn lớn khi LDR toàn hệ thống đạt 76,7% tính đến tháng 8, trong khi tăng trưởng tín dụng còn cách xa chỉ tiêu được giao sẽ là động lực cho việc giảm lãi suất cho vay.
Ngoải ra, Thông tư 06/2023 cho phép khách hàng vay để đảo nợ. Thông tư 06 được thi hành từ 01/09 đã thúc đẩy các ngân hàng triển khai các chương trình ưu đãi nhằm đạt chỉ tiêu tín dụng đã được giao, từ đó làm giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, KBSV cho rằng tác động của Thông tư 06 sẽ cần thời gian để minh chứng vì câu chuyện cho vay để đảo nợ được đánh giá là không dễ dàng và nhiều thủ tục đi kèm khoản phí phạt trả nợ trước hạn lớn.
KBSV cũng lưu ý các yếu tố cản trở đà giảm lãi suất như áp lực lạm phát. CPI và Core CPI tháng 9 lần lượt tăng 1,08% và 0,26% so tháng trước, bình quân 9 tháng lần lượt tăng 3,16% và 4,49%. Mặc dù dường như mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4.5% có thể đạt được một cách thuận lợi, nhưng việc tốc độ tăng ngày một nhanh trong các tháng gần đây đang nhắc nhở các nhà điều hành không được chủ quan với lạm phát. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định: “Nếu xu hướng lạm phát bùng lên, thì chính sách tiền tệ có nhiệm vụ phòng ngừa, chuẩn bị xu hướng thắt chặt”.
Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá trong giai đoạn cuối năm vẫn lớn do (1) chênh lệch lãi suất USD và VND (HM:VND) vẫn duy trì ở mức cao; (2) xu hướng mạnh lên của đồng USD vẫn tiếp tục duy trì và (3) nền kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng.
Ngoài ra, trong kịch bản tỷ giá không sớm hạ nhiệt, việc NHNN duy trì hút tín phiếu với khối lượng tăng dần, có thể kết hợp với các động thái bán forward/spot dự trữ ngoái hối, sẽ khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dồi dào và lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại. Điều này sẽ khiến gia tăng chi phí huy động vốn ở thị trường 2, đặc biệt với các ngân hàng vừa và nhỏ có trạng thái thanh khoản không quá dồi dào. Điều này khiến các ngân hàng vừa và nhỏ khó giảm lãi suất và trong kịch bản tiêu cực có thể khiến lãi suất huy động ở các ngân hàng này tăng nhẹ trở lại.
Tuy nhiên, đối với kịch bản cơ sở, KBSV không cho rằng trạng thái thanh khoản hệ thống các tháng cuối năm sẽ căng thẳng mặc dù lãi suất liên ngân hàng sẽ chỉ tăng nhẹ, khi mà :1) đầu tư công đang được đẩy nhanh giúp khoản tiền kho bạc gửi tại NHNN được giải phóng và chảy vào kênh huy động; 2) tỷ giá sẽ không quá áp lực khiến NHNN phải bán ra dự trữ ngoại hối, dù việc hút tín phiếu sẽ được duy trì cho đến khi tỷ giá hạ nhiệt rõ nét.
Theo Người Quan Sát