World Bank khuyến cáo, trước xu hướng lạm phát tăng mạnh, Việt Nam cần thận trọng theo dõi.
Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam hôm nay, World Bank đánh giá, lạm phát toàn phần của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh kể từ tháng 6, tăng 1,13% và đạt 3,7% trong tháng 9 (tức tăng 0,7 điểm phần trăm so với tháng 8).
Lạm phát tiếp tục được thúc đẩy bởi giá lương thực, thực phẩm và nhà ở; ngoài ra còn có thêm áp lực từ việc tăng giá năng lượng và giáo dục. Lạm phát cơ bản giảm từ 4% trong tháng 8 xuống còn 3,8% trong tháng 9. Tuy nhiên, số liệu cho thấy, bình quân 9 tháng vẫn ở mức cao, tăng 4,49% so với cùng kỳ 2022 và cao hơn mức tăng CPI bình quân chung.
“Xu hướng lạm phát tăng mạnh tiếp tục cần được theo dõi chặt chẽ”, World Bank khuyến cáo.
Vài ngày trước, Ngân hàng HSBC cũng nâng dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam năm nay lên 3,4%, cao hơn mức cũ 2 điểm phần trăm (nhưng dưới mức mục tiêu 4,5%). Nguyên nhân là đà lạm phát đã tăng nhanh trong hai tháng qua, được xem là rủi ro gia tăng đáng kể.
Ngoài vấn đề lạm phát, trong báo cáo cập nhật, World Bank nhìn nhận tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc trong quý III nhờ vào xuất khẩu dần phục hồi. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước vẫn yếu, tăng trưởng tín dụng vẫn chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của doanh nghiệp thấp.
Tổ chức này khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Một danh mục đầu tư chiến lược, được chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm 2024 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo với trọng tâm là cơ sở hạ tầng xanh, hạ tầng liên vùng sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn.
Ngoài ra, World Bank tiếp tục lưu ý việc Việt Nam phải cải thiện thêm môi trường kinh doanh, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thu hút nguồn FDI có giá trị cao.
Nguồn Vnexpress.net