Các đồng tiền châu Á đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi dòng vốn chảy ra ngoài vì lãi suất trong khu vực này nhìn chung thấp hơn so với những khu vực khác, dẫn đến sự chênh lệch lớn với lãi suất ở Mỹ.
Các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á tìm ra cách mới để bảo vệ đồng nội tệ của mình trong bối cảnh có nhiều lo ngại về lãi suất ở mức cao trong thời gian dài của Mỹ và căng thẳng toàn cầu gia tăng làm giảm nhu cầu đối với những tài sản rủi ro.
Các đồng tiền châu Á đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi dòng vốn chảy ra ngoài vì lãi suất trong khu vực này nhìn chung thấp hơn so với những khu vực khác, dẫn đến sự chênh lệch lớn với lãi suất ở Mỹ.
Eddie Cheung, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại ngân hàng Credit Agricole CIB tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), cho biết Indonesia và Ấn Độ đang phát hành thêm trái phiếu có lãi suất cao hơn để khuyến khích dòng vốn đổ vào. Đây là một cách mới để họ vẫn có thể hỗ trợ đồng tiền mà không cần phải sử dụng dự trữ ngoại hối.
Việc sử dụng các cách sáng tạo để hỗ trợ tiền tệ này là một cách thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải lựa chọn giữa việc cho phép đồng tiền suy yếu, “đốt” nguồn tiền dự trữ hoặc tăng lãi suất và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 6% so với mức thấp nhất trong tháng 7/2023 khi các nhà đầu tư ngày càng đặt cược nhiều vào lựa chọn khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cao hơn trong bối cảnh lạm phát khó khăn và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ. Cùng lúc đó, xung đột ở Ukraine và xung đột Israel-Hamas đang đẩy giá dầu lên cao, thúc đẩy nhu cầu trú ẩn đối với đồng bạc xanh.
Triển vọng của các đồng tiền châu Á là một vấn đề lớn đối với các chỉ số thị trường mới nổi toàn cầu. Đồng NDT, rupee và rupiah chiếm tới 45% trong Chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi của MSCI.
Theo đại diện của ngân hàng JPMorgan (Mỹ), trái phiếu chính phủ của Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tổng cộng 22,2% trong chỉ số trái phiếu chính phủ thị trường mới nổi của JPMorgan.
Dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ giảm cho thấy ngân hàng trung ương nước này đã tăng cường sử dụng dự trữ ngoại hối trong năm nay để củng cố đồng tiền của mình.
Các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện thêm một bước nữa tại cuộc họp ngày 6/10 khi công bố kế hoạch bán trái phiếu để thu thêm tiền mặt và hỗ trợ đồng rupee bằng cách tăng lợi suất.
Các biện pháp mà Ấn Độ áp dụng cho đến nay phần lớn đã thành công vì đồng rupee hầu như không thay đổi kể từ đầu năm 2023 đến nay ngay cả khi hầu hết các đồng nội tệ của các nước mới nổi đều suy yếu.
Ngân hàng trung ương Indonesia bắt đầu bán chứng khoán Bank Indonesia Rupiah Securities (SRBI, các khoản nợ ngắn hạn được đảm bảo bằng tài sản cơ sở) vào giữa tháng 9/2023 với mục tiêu thu hút thêm dòng vốn vào. SRBI cho phép các nhà đầu tư toàn cầu chấp nhận rủi ro tiền tệ ngắn hạn.
Sản phầm này được giới thiệu khi Indonesia chứng kiến dòng tiền chảy ra 1,1 tỷ USD từ thị trường trái phiếu trong tháng trước, mức cao nhất trong gần một năm.
Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược tại ngân hàng Mizuho Bank Ltd. ở Singapore cho biết các biện pháp từ Ấn Độ và Indonesia tạo ra sự bổ sung rất sáng tạo cho việc hỗ trợ tiền tệ, đồng thời cân nhắc việc sử dụng dự trữ ngoại hối một cách hợp lý.
Trong khi đó, Trung Quốc đang sử dụng một loạt biện pháp để củng cố đồng nội tệ. Chính phủ Trung Quốc mới đây đã thông báo phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng NDT trị giá 26 tỷ NDT (3,6 tỷ USD) trong quý này, nâng tổng lượng trái phiếu phát hành năm 2023 lên mức kỷ lục 55 tỷ NDT.
Các nhà đầu tư coi mục tiêu chính của đợt phát hành này là hỗ trợ đồng NDT khi làm tăng nhu cầu đối với đồng tiền này./.
Theo Vietstock