Đang dự trữ khí đốt dồi dào nhưng rủi ro bắt đầu rình rập châu Âu khi bất ổn chính trị nổi lên và mùa đông khả năng khắc nghiệt.
Đầu tuần này, giá khí đốt bán buôn của Hà Lan và Anh tăng sau khi các công nhân tại cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Chevron bỏ phiếu tái khởi động các cuộc đình công. Cùng với đó, thời tiết dự kiến lạnh hơn và căng thẳng ở khu vực Trung Đông cũng gia tăng thêm áp lực cho mặt hàng này.
Theo dữ liệu của tổ chức tài chính ICE, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 5% trong phiên giao dịch 10/10 và lần đầu tiên kể từ cuối tháng 8, lên trên 500 USD mỗi 1.000 m3. Hợp đồng giao khí đốt tháng 11 tại trung tâm TTF ở Hà Lan cũng tăng lên 508 USD mỗi 1.000 m3, tương đương 46,5 euro mỗi MWh.
Hôm 9/10, Chevron đã ngừng sản xuất tại mỏ khí đốt Tamar ở Địa Trung Hải vì lý do an toàn trong bối cảnh xung đột giữa Palestine và Israel leo thang. Việc ngừng sản xuất có thể dẫn đến sự chậm trễ trong nguồn cung, kể cả ở châu Âu.
Hơn nữa, công nhân tại hai cơ sở LNG của Chevron ở Tây Australia đã bỏ phiếu tái khởi động các cuộc đình công vào cuối tuần trước. Công đoàn cáo buộc tập đoàn Mỹ đã từ bỏ thỏa thuận được chốt để chấm dứt đình công vào tháng qua. Vì vậy, họ quyết định tái đình công từ tuần tới.
Các nhà phân tích tại Engie EnergyScan cho rằng mối lo của LNG đến từ Australia đã tăng lại, nhưng vẫn chưa đáng ngại. “Chúng tôi tin rằng việc tăng giá chỉ là tạm thời và hiện tại giá vẫn nằm trong giới hạn biến động của thị trường”, nhóm phân tích nhận định.
Nhưng giá khí đốt còn đang đối diện vài diễn biến bất lợi khác. Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã bắt đầu dấy lên bất an. Và nhiệt độ ở Anh, Tây Bắc Âu dự kiến giảm vào cuối tuần này, có thể làm tăng nhu cầu sưởi ấm.
Ngoài ra, đường ống khí đốt qua biển Baltic giữa Phần Lan và Estonia đã đóng cửa hôm 8/10 do nghi ngờ bị rò rỉ. Nhà điều hành hệ thống khí đốt Phần Lan Gasgrid cho biết việc sửa chữa có thể mất vài tháng hoặc hơn nếu xác nhận có vết thủng.
Vào quý IV, tức khi mùa đông bắt đầu, Liên minh châu Âu và Anh cần khoảng 118,3 tỷ m3 khí đốt, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dự báo của S&P Global. Mức này vẫn thấp hơn trước khủng hoảng. Nhưng bất kỳ gián đoạn mới nào xuất hiện hoặc mùa đông rất lạnh vẫn có nguy cơ gây thiếu hụt.
Đầu tiên, tiêu thụ khí đốt phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Mùa đông lạnh giá bất thường có khả năng dẫn đến nhu cầu bổ sung trong dân cư và thương mại ở châu Âu lên tới 30 tỷ m3, theo ước tính từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Cùng với đó, mối đe dọa đình công trong lĩnh vực LNG của Australia và thời gian bảo trì kéo dài đối với các cơ sở tại Na Uy là tín hiệu cho thấy mối lo ngại về nguồn cung vẫn tiếp diễn. Theo S&P Global, nhập khẩu LNG vào EU và Anh trong quý IV dự kiến đạt tổng cộng 36,6 tỷ m3, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá với châu Á cũng có thể gay gắt hơn, khi giá LNG giao ngay tại châu Á hiện ở mức cao hơn.
Và vẫn còn rủi ro nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ giảm hơn nữa. Khoảng 42 triệu m3 khí đốt của Nga vẫn được cung cấp cho châu Âu mỗi ngày thông qua Sudzha – một điểm nhập khẩu ở biên giới với Ukraine. Bất kỳ sự leo thang nào trong chiến sự vẫn có thể khiến hoạt động xuất khẩu tại đó bị gián đoạn.
Liên minh châu Âu cũng đang cân nhắc lại việc mua khí đốt từ Azerbaijan, nơi họ đã chi 15,6 tỷ euro để nhập vào năm 2022, gấp 4 lần so với 2021. Thị phần Azerbaijan trong tổng nguồn cung khí đốt nhập khẩu ở châu Âu vẫn khiêm tốn nhưng đang tăng lên, từ 2% của 2021 lên 3% vào 2022 và năm nay.
Tháng 7/2022, EU ký thỏa thuận với Azerbaijan để tăng mua gấp đôi lượng khí đốt đến 2027, ít nhất 20 tỷ m3 mỗi năm (so với 8 tỷ m3 vào năm 2021). Nhưng thỏa thuận đang bị chỉ trích sau cuộc tấn công của Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh. Hôm 5/10, Nghị viện châu Âu thông qua dự luật với đa số phiếu yêu cầu “đình chỉ” thỏa thuận và kêu gọi “các biện pháp trừng phạt có mục tiêu” với Azerbaijan.
Tuy nhiên, một số nguồn cung khác vẫn thuận lợi. Dòng chảy qua đường ống TurkStream vào Nam Âu đạt mức cao kỷ lục trong tháng 8 và có khả năng tiếp tục duy trì trong quý IV, nhất là vì khối lượng đó chủ yếu được tiêu thụ ở Hungary và Serbia, có mối quan hệ tốt với Moskva.
Châu Âu cũng đã triển khai các kho cảng nổi nhập khẩu LNG mới và nhiều trong số đó sẽ sẵn sàng hoạt động vào cuối năm nay, bao gồm ba cơ sở tại Đức và các kho ở Pháp, Hy Lạp.
Tính đến 25/9, dự trữ khí đốt của châu Âu đã đầy 95,1%, so với mức 87,8% và 73,4% của cùng thời điểm năm 2022 và 2021. Người đứng đầu Cơ quan quản lý năng lượng Đức Klaus Müller cho biết Đức đã chuẩn bị cho mùa đông năm nay tốt hơn nhiều so với 2022, nhưng cảnh báo không nên tự mãn. “Chúng ta chắc chắn có thể lạc quan, nhưng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận rõ ràng”, ông nói.
Hôm 9/10, các công ty vận hành mạng lưới khí đốt của Pháp cho rằng nước này nên có đủ nguồn cung ngay cả khi thời tiết mùa đông năm nay khắc nghiệt. Nhưng để làm được sẽ cần nhập khẩu đáng kể LNG và các nguồn khác từ Tây Ban Nha, cùng với quản lý lưu trữ thông minh và mức tiêu thụ thấp như năm ngoái.
Nguồn Vnexpress.net