Niềm tin nhà đầu tư yếu đi do đà tăng trưởng kinh tế suy yếu, lực cản bất động sản và căng thẳng Mỹ-Trung
Theo tờ Nikkei Asia, các nhà phân tích cho biết, các nhà đầu tư toàn cầu vẫn đang thận trọng với chứng khoán Trung Quốc bất chấp những dấu hiệu nền kinh tế cải thiện. Những lo ngại về chính sách của Chính phủ Trung Quốc và khó khăn trên thị trường bất động sản tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 80,1 tỷ nhân dân tệ (10,97 tỷ USD) cổ phiếu loại A của Trung Quốc từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua và chỉ số Hang Seng vẫn nằm dưới mức đỉnh lập hồi 1/2023.
Họ đang tiếp tục thận trọng dù dự báo đồng thuận cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có dòng thu nhập từ các thị trường nước ngoài sẽ tăng trưởng 11,6% trong năm tới, tăng từ mức 9,2% trong năm nay. Giá tiêu dùng tăng 0,1% trong tháng 8 cũng giúp xoa dịu nỗi lo giảm phát.
Trích dẫn dữ liệu kinh tế cải thiện và mức độ khuyến khích tiêu dùng và du lịch trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh Trung Quốc, Standard Chartered cho biết họ kỳ vọng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ tăng lần lượt 5,1% và 5,6% trong quý 3 và 4, và 5,4% trong năm nay, cao hơn sự đồng thuận của thị trường.
Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered, cho biết: “Có sự mất kết nối giữa thị trường và kinh tế”. “Nền kinh tế không tệ nhưng niềm tin của nhà đầu tư không cao”.
Mới đây, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của cổ phiếu loại A của Trung Quốc đã giảm xuống 719 tỷ nhân dân tệ, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng giảm 69% so với tháng trước sau khi Cơ quan giám sát chứng khoán của Trung Quốc thắt chặt các quy tắc gây quỹ, với hy vọng thúc đẩy giá cổ phiếu hiện có.
Jian Shi Cortesi, Giám đốc tại Công ty đầu tư GAM có trụ sở tại Zurich cho biết: “Niềm tin vào chứng khoán Trung Quốc đang ở mức thấp nhất mà chúng tôi quan sát thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Niềm tin yếu đi do đà tăng trưởng kinh tế suy yếu, lực cản bất động sản và căng thẳng Mỹ-Trung”.
Bà nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng các nhà đầu tư quốc tế không chú ý nhiều đến mức định giá rẻ. Ngay cả kết quả thu nhập khả quan của một số công ty cũng bị thị trường bỏ qua và chưa phản ánh vào giá cổ phiếu.”
Raymond Cheng, Giám đốc đầu tư khu vực Bắc Á của Standard Chartered, nhận định các nhà đầu tư đang trì hoãn cho đến khi họ thấy những dấu hiệu rõ ràng về việc Trung Quốc đang thực hiện các bước nghiêm túc để giải quyết thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Ngân hàng này đã hạ mức xếp hạng cổ phiếu châu Á ngoài Nhật Bản xuống mức trung lập, chủ yếu phản ánh mối lo ngại về Trung Quốc.
Ông nói: “Trong số các khách hàng mà tôi đã nói chuyện trên toàn cầu, không ai muốn mua bất kỳ cổ phiếu Hồng Kông hay Trung Quốc nào”. “Bây giờ các nhà đầu tư đang tìm cách bán khi họ thấy cổ phiếu tăng cao hơn.”
Benjamin Bennett, người đứng đầu chiến lược đầu tư và nghiên cứu tại Legal & General Investment Management, cho biết: “Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào một số lĩnh vực có nhiều đầu tư nước ngoài tham gia, nổi bật nhất là công nghệ và bất động sản”. “Tác động có thể là tích cực trong dài hạn vì tạo ra những động lực tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai. Tuy nhiên, tác động trong ngắn hạn nhìn chung là không tốt đối với các khoản đầu tư hiện tại, vì vậy mọi người không muốn quay trở lại quá sớm”.
Trung Quốc giảm một nửa thuế chuyển nhượng đối với giao dịch chứng khoán
Theo Người quan sát