Mỹ dự kiến sẽ chứng kiến các bước đi chưa từng thấy, khi sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ phe Cộng hòa dẫn đến việc ông Kevin McCarthy trở thành Chủ tịch Hạ viện đầu tiên bị bãi nhiệm trong lịch sử đất nước.
Dưới đây là dự đoán của giới quan sát về những gì sẽ xảy ra tiếp sau vụ cách chức ông McCarthy:
Ngay sau cuộc bỏ phiếu phê truất ông McCarthy hôm 3/10, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Patrick McHenry được bổ nhiệm làm Chủ tịch lâm thời của Hạ viện Mỹ.
Theo Reuters, các hướng dẫn về những quy tắc và thủ tục của Hạ viện Mỹ không mô tả rõ ràng nhiệm vụ của chủ tịch lâm thời tại cơ quan lập pháp này. Cụ thể, quan chức đó “có khả năng thực thi các quyền hạn của Chủ tịch Hạ viện khi cần thiết và phù hợp, trong quá trình chờ bầu chọn chủ tịch mới”.
Mặc dù chủ tịch đặt ra chương trình nghị sự lập pháp tổng thể tại Hạ viện, nhưng chính lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện là người lên lịch cho các dự luật cụ thể sẽ được đưa ra tranh luận và biểu quyết tại cơ quan lập pháp này.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Kelly Armstrong tuyên bố trước các phóng viên rằng, nhiệm vụ chính của ông McHenry sẽ là “giúp có một chủ tịch mới”. Nhà lập pháp này lưu ý, bất cứ điều gì “xa hơn nữa” sẽ dẫn đến động thái cách chức ông McHenry.
Khả năng tạm dừng các thủ tục phê duyệt luật
Các nhà phân tích nhận định, cho đến khi Hạ viện Mỹ chính thức có chủ tịch mới, khó có khả năng xảy ra thêm hành động nào đối với các dự luật phân bổ ngân sách cho chính phủ. Các nhà lập pháp hiện có thời gian từ nay đến hạn chót 17/11 để đi đến thỏa thuận cấp thêm tiền hoạt động cho các cơ quan liên bang hoặc đối mặt với việc chính phủ phải tạm đóng cửa một phần.
Đảng Cộng hòa (GOP), phe đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện, tiết lộ họ cần ít nhất một tuần để chọn ra vị chủ tịch mới. Điều đó chắc chắn sẽ tiêu tốn thời gian cần thiết để thông qua dự luật ngân sách thiết yếu nói trên.
Tranh cãi về các dự luật như vậy, cùng sự tức giận trước việc ông McCarthy không đạt được mục tiêu cắt giảm mạnh chi tiêu công của chính phủ theo mong muốn của những nghị sĩ cực hữu cùng đảng GOP đã dẫn đến việc ông bị phế truất.
Động thái của 2 chính đảng tại Hạ viện
221 nghị sĩ GOP và 212 nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã họp kín nhằm bàn thảo về các bước đi tiếp theo, cả về chính trị và lập pháp.
Mỗi bên dự kiến sẽ cố gắng lựa chọn một ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch Hạ viện. Điều đó khá dễ dàng đối với đảng Dân chủ vì họ nhìn chung ủng hộ lãnh đạo phe thiểu số Hakeem Jeffries. Ông Jeffries từng ra tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện với ông McCarthy và các ứng cử viên khác hồi tháng 1.
Do có sự chia rẽ sâu sắc, đảng GOP, có thể gặp khó khăn hơn trong việc lựa chọn một ứng cử viên, đặc biệt khi một nhóm nhỏ những người theo đường lối bảo thủ cứng rắn nhất quyết tìm cách cắt giảm sâu chi tiêu liên bang.
Ông McHenry có thể có lợi thế khi đang giữ chức chủ tịch lâm thời. Tuy nhiên, hiện không rõ ông có muốn nắm giữ vị trí quyền lực số 3 ở Mỹ, chỉ sau Tổng thống và Phó tổng thống hay không.
Thời điểm diễn ra bầu chọn Chủ tịch Hạ viện
Hạ viện Mỹ đang trong một thời điểm chưa từng có, vì vậy không rõ chính xác cuộc bỏ phiếu của toàn bộ cơ quan lập pháp sẽ được tổ chức nhanh đến mức nào. Thông thường, cuộc bầu chọn Chủ tịch Hạ viện được lên kế hoạch diễn ra vào thời điểm bắt đầu Quốc hội khóa mới 2 năm một lần.
Hiện lãnh đạo của cả 2 chính đảng tại cơ quan lập pháp này sẽ phải quyết định khi nào họ sẵn sàng tham gia vào quá trình bầu chọn chủ tịch. Hồi tháng 1, ông McCarthy từng phải đối mặt với nhiều đợt bỏ phiếu kéo dài nhiều ngày, vì không thể giành đủ số phiếu ủng hộ tối thiểu để được bổ nhiệm.
Ai có thể tranh cử?
Theo Hiến pháp Mỹ, Chủ tịch Hạ viện không nhất thiết phải là thành viên Quốc hội. Đó là lý do tại sao một số chính khách GOP đã nêu tên cựu Tổng thống Donald Trump cho chức vụ này, dù ông đang vận động tranh cử chức tổng thống năm 2024.
Theo Reuters, ông Trump cũng từng tuyên bố không muốn làm lãnh đạo Hạ viện.
Theo Người quan sát