Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva kêu gọi IMF phản ánh tốt hơn những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua, bao gồm sự nổi lên của Trung Quốc và IMF muốn trao thêm quyền cho Trung Quốc. Điều này khiến Mỹ thận trọng.
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ủng hộ những cải cách nhằm muốn trao cho Trung Quốc thêm quyền biểu quyết trong định chế này, cảnh báo về những hệ quả tồi tệ nếu IMF tiếp tục ở trong tình trạng thiếu nguồn lực tài chính để hỗ trợ các quốc gia gặp khó.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Financial Times, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva kêu gọi IMF phản ánh tốt hơn những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua, bao gồm sự nổi lên của Trung Quốc.
“Cần thiết phải có sự thay đổi liên tục để phản ánh những đổi thay trong nền kinh tế thế giới”, bà Georgieva nói. Đây được xem là một đề cập ngầm đến tình trạng mất cân đối giữa một bên là quyền biểu quyết 6% của Trung Quốc trong IMF với một bên là tỷ trọng của nước này trong nền kinh tế toàn cầu lớn gấp khoảng 3 lần con số như vậy.
Bà Georgieva bày tỏ lạc quan về việc IMF “đã có thể vận động và vượt qua được những khác biệt quan điểm trong nhiều dịp khác nhau kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch”. Trên cơ sở này, bà tin tưởng IMF sẽ đạt được những thay đổi cần thiết về cơ cấu quyền biểu quyết.
Theo truyền thống của định chế có trụ sở ở Washington DC, mỗi quốc gia thành viên có một hạn ngạch (quota) dựa trên vị thế của nước đó trong nền kinh tế toàn cầu. Hạn ngạch quyết định mức đóng góp của mỗi nước thành viên vào IMF, đồng thời quyết định cả quyền biểu quyết và quyền tiếp cận với nguồn quỹ khẩn cấp của nước đó trong IMF.
Ở thời điểm hiện tại, hạn ngạch của Trung Quốc là thấp hơn của Nhật Bản, dù Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu. Mỹ – cổ đông lớn nhất của IMF – nắm hạn ngạch 17%, nhờ đó nắm quyền phủ quyết (veto) đối với các quyết định về vấn đề hạn ngạch, bởi các quyết định về vấn đề này trong IMF đòi hỏi tỷ lêu ủng hộ từ 85% để được thông qua.
Hội đồng Thống đốc IMF tiến hành rà soát hệ thống hạn ngạch ít nhất 5 năm một lần. Lần gần đây nhất thay đổi được thông qua là vào năm 2010, mà từ đó đến nay nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhiều. Đợt điều chỉnh đó bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016.
Phát biểu trước thềm chuỗi sự kiện của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Marrakech, Morocco trong tháng 10 này, bà Georgieva thừa nhận rằng vấn đề thay đổi tỷ trọng quyền biểu quyết không có trong chương trình rà soát hạn ngạch đang diễn ra, dự kiến kết thúc vào tháng 12.
Lời kêu gọi về một cuộc cải cách dài hạn ở IMF được bà Georgieva đưa ra trong bối cảnh Mỹ nỗ lực củng cố các định chế đa phương đặt ở Washington DC nhằm tăng cường ảnh hưởng của phương Tây với các nước mới nổi và đang phát triển. Lời kêu gọi này cũng được đưa ra khi bà Georgieva muốn cải thiện nguồn lực của IMF để xử lý các vấn đề kinh tế trên toàn cầu.
“IMF nằm ở trung tâm của mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu. Nếu IMF không thể bước tới và mang lại sự tin tưởng, sẽ có những hậu quả to lớn về kinh tế, xã hội và cả ở góc độ an ninh”, bà nhấn mạnh.
Nhằm mục đích tăng cường nguồn lực cho IMF, Mỹ muốn tăng hạn ngạch cho các quốc gia thành viên mà không vội phân bổ lại quyền biểu quyết và có những thay đổi về quản trị để tăng cường vị thế của các nước đang phát triển. Bà Georgieva nói những thay đổi như vậy nhận được sự ủng hộ của “một tỷ trọng lớn” các quốc gia thành viên IMF và cho phép định chế này “mạnh hơn trong tương lai”.
Dù thay đổi trước mắt là chưa có, vị Tổng giám đốc IMF lưu ý rằng vấn đề điều chỉnh quyền biểu quyết đã xuất hiện trong các quốc thảo luận giữa các nước thành viên. Về phần mình, giới chức Mỹ đến nay đã để ngỏ cánh cửa cho việc phân bổ lại quyền biểu quyết tại IMF trong tương lai, nhưng phát tín hiệu rằng họ sẽ phủ quyết bất kỳ sự gia tăng quyền biểu quyết nào của Trung Quốc tại IMF ở hiện tại.
Thứ trưởng phụ trách quan hệ quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ, ông Jay Shambaugh, nói rằng một động thái như vậy sẽ đòi hỏi “tất cả các quốc gia, nhất là những nước được tăng quyền bầu” phải tôn trọng “vai trò và các quy định của IMF”.
Trung Quốc, nước hiện là nhà cho vay song phương lớn nhất thế giới, đã bị các nước phương Tây chỉ trích là cản trở các thoả thuận xoá nợ cho các quốc gia gặp khó khăn. Bà Georgieva nói “không hề dễ dàng” khi làm việc với Bắc Kinh về những vấn đề như vậy, nhưng bà nói Trung Quốc đã “tham gia đều đặn” với IMF về tái cơ cấu nợ và nhìn chung “có thái độ khá xây dựng”.
Bà Georgieva nhấn mạnh lời kêu gọi của IMF về tăng cường nguồn lực cổ đông vào thời điểm mà nền kinh tế toàn cầu đương đầu với triển vọng tăng trưởng xấu đi. “Việc cần làm thì nhiều, mà chúng ta không có được sự tăng trưởng cần thiết. Không gian tài khoá đã suy giảm, mức nợ tăng lên ở mọi nơi, chi phí vay nợ cũng gia tăng, mà nhu cầu đối với ngân sách công cũng cao”, bà nói.
Trong cuộc trò chuyện với Financial Times, bà Georgieva cũng phản bác sự chỉ trích nhằm vào việc IMF giám sát các quốc gia như Argentina và Pakistan – những nước liên tục xin sự hỗ trợ của IMF, đôi khi chỉ để trả nợ IMF. Trong một phát biểu gần đây, ông Shambaugh cho rằng các chương trình vay vốn liên tục được gia hạn mà không có cải cách thực sự “gây tổn hại đến uy tín của IMF”. Bà Georgieva nói điều quan trọng là IMF đề xuất hỗ trợ “với tinh thần cảm thông”, và đồng tình rằng IMF không thể giúp đỡ các quốc gia “không sẵn sàng hoặc không thể thực hiện những động thái cần thiết”.
Theo Vneconomy
Được sưu tầm và biên soạn bởi team FXVIET.COM.VN
Xem thêm các tin tức tài chính thế giới tại đây.