Nga cấm xuất khẩu nhiên liệu tạm thời để ổn định thị trường

Ngày 21-9, Nga công bố hạn chế tạm thời đối với việc xuất khẩu xăng và dầu diesel nhằm ổn định thị trường nội địa.

Theo Hãng tin Reuters, phía Nga không nói rõ các hạn chế sẽ hoạt động như thế nào.

“Các hạn chế tạm thời sẽ giúp bão hòa thị trường nhiên liệu, từ đó sẽ giảm giá cho người tiêu dùng”, Chính phủ Nga tuyên bố.

Trả lời Reuters, Bộ Năng lượng quốc gia Nga cho biết họ sẽ ngăn chặn việc xuất khẩu nhiên liệu động cơ trái phép.

Phía Nga cũng cho hay các lệnh cấm không áp dụng đối với nhiên liệu được cung cấp theo các thỏa thuận liên chính phủ cho các thành viên của Liên minh kinh tế Á – Âu do Matxcơva dẫn đầu, bao gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.

Các quan chức Chính phủ Nga cho hay các kế hoạch trên nhằm hạn chế xuất khẩu nhiên liệu chỉ cho những người sản xuất các sản phẩm dầu mỏ. Mục đích là để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhiên liệu quy mô lớn.

Cũng theo các quan chức này, họ đang xem xét một mức thuế cấm xuất khẩu nhiên liệu sắp tới.

Những tháng qua, Nga đã phải đối mặt với tình trạng thiếu xăng và dầu diesel. Giá nhiên liệu bán buôn tăng vọt, mặc dù giá bán lẻ được giới hạn cho cân xứng với mức lạm phát.

Cuộc khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng ở một số khu vực vựa lúa mì phía nam nước Nga, nơi nhiên liệu rất quan trọng để thu hoạch mùa màng.

Tình trạng khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng có thể gây khó xử cho Điện Kremlin khi cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào tháng 3-2024.

Trong khi đó, các thương nhân cho biết thị trường nhiên liệu đã bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bao gồm bảo trì tại các nhà máy lọc dầu, tắc nghẽn đường sắt và việc đồng rúp yếu đi, khuyến khích xuất khẩu nhiên liệu.

Theo các thương nhân và dữ liệu chính thức, Nga đã cắt giảm xuất khẩu dầu diesel và xăng bằng đường biển gần 30% xuống còn khoảng 1,7 triệu tấn trong 20 ngày đầu tháng 9 này, so với cùng kỳ tháng 8.

Reuters cũng đã thông tin Nga xuất khẩu 4,83 triệu tấn xăng và gần 35 triệu tấn dầu diesel vào năm ngoái.

Nguồn Vnexpress.net

 

0865 205 590