Chứng khoán lao dốc, ‘chưa có tín hiệu tạo đáy’

Thị trường chứng khoán giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 14-9, với mức thanh khoản xấp xỉ 30.770 tỉ đồng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Dựa vào góc nhìn kỹ thuật, chỉ số VN-Index “chưa có tín hiệu tạo đáy”.

Nhà đầu tư trong nước cùng khối ngoại bán ròng

Mặc dù mở cửa phiên 14-9 với sắc xanh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, thị trường lập tức bị áp lực bán đè nặng, các chỉ số chứng khoán chính liên tục rung lắc và nhanh chóng lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Toàn thị trường dần nhuốm sang sắc đỏ giảm điểm.

Thanh khoản bán chủ động gia tăng mạnh ở nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn. Diễn biến của VIC (Vingroup) trở thành tâm điểm chú ý khi bị giảm tới 6,25% xuống còn 55.500 đồng/cổ phiếu, khiến vốn hóa thị trường mã này “bốc hơi” hơn 14.100 tỉ đồng.

VIC là mã đứng đầu top 10 cổ phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực lên sàn chứng khoán TP.HCM, xếp thứ nhì cũng là một cổ phiếu khác thuộc “họ Vin” – VHM (-5,95%). Vốn hóa thị trường của “ông lớn” bất động sản Vinhomes bị sụt hơn 13.490 tỉ đồng trong phiên. Riêng mã VRE (Vincom Retail) giảm không đáng kể.

Hàng loạt mã chứng khoán khác cũng bị lao dốc như HPG (Hòa Phát), FPT, NVL (Novaland), MSN (Masan), SSB, BID (BIDV), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), GEX (Gelex)…

Theo thống kê, nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán chịu áp lực giảm hàng đầu, lần lượt hơn 3% và hơn 1,8%. Chỉ số cổ phiếu của nhiều lĩnh vực khác cũng bị lùi về âm, bao gồm: vụ tài chính, hóa chất, tài nguyên, công nghệ, viễn thông, dầu khí, dịch vụ bán lẻ, xây dựng – vật liệu xây dựng, du lịch – giải trí…

Với sự tiêu cực lan tỏa trên diện rộng, toàn thị trường có tới 743 mã chứng khoán rớt giá, nhiều gấp ba lần số mã tăng giá, gấp bốn lần mã đứng giá.

Sự thận trọng không chỉ thể hiện ở nhà đầu tư trong nước, cả khối ngoại cũng bán ròng với thanh khoản xấp xỉ 220 tỉ đồng.

Trải qua giằng co, chỉ số VN-Index chính thức giảm 14,58 điểm (-1,18%) xuống vùng 1.223,81 điểm. Sàn HNX Index và UPCoM cũng đóng cửa mức giảm 4,25 điểm (-1,66%) lùi về 251,86 điểm và rớt 0,53 điểm (-0,56%) xuống còn 93,65 điểm.

Tổng giá trị mua – bán cổ phiếu trong phiên đạt xấp xỉ 30.770 tỉ đồng, thuộc top những phiên có thanh khoản cao, nhưng vẫn thấp hơn phiên liền trước 9%.

“Chưa có tín hiệu tạo đáy”

Bám sát diễn biến giao dịch, đội ngũ phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên cho thấy thị trường vẫn đang có phần hụt hơi khi tiếp cận lại vùng đỉnh cũ.

Chỉ báo ở khung đồ thị giờ tiếp tục hướng xuống tiêu cực và chưa cho tín hiệu tạo đáy, nên xác suất trong các phiên giao dịch tới, thị trường vẫn sẽ rung lắc, điều chỉnh và cần thêm thời gian để tìm lại điểm cân bằng.

Với diễn biến hiện tại, khu vực hỗ trợ gần nhất của thị trường sẽ quanh mốc 1.210 – 1.215 điểm.

Theo VCBS, nhà đầu tư ngắn hạn cân nhắc chủ động hiện thực hóa lợi nhuận từng phần, chỉ nên duy trì tỉ trọng cổ phiếu từ 30 – 40% tài khoản để có thể quản trị tối đa rủi ro. Ưu tiên việc cơ cấu, thu gọn lại danh mục, bán giảm những mã cổ phiếu đã có xu hướng tạo đỉnh và giảm dưới vùng hỗ trợ.

Phía Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, chỉ thực hiện việc giải ngân nếu VN-Index vượt 1.250 điểm với động lực mạnh.

Nhà đầu tư trung, dài hạn có thể giải ngân dần trong các nhịp điều chỉnh, hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Nguồn tuoitre.vn

0865 205 590