Việc cắt giảm sản lượng và hạn chế xuất khẩu của các ông lớn dầu mỏ đang gây áp lực lên thị trường toàn cầu.
Việc Saudi Arabia cắt giảm sản lượng sẽ khiến nguồn cung toàn cầu thêm siết chặt. Thị trường dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng thâm hụt lớn nhất trong hơn một thập kỷ.
Theo tính toán của Bloomberg về dữ liệu mới nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), lượng dầu mà OPEC bơm trong quý 3 giảm khoảng 1,8 triệu thùng/ngày so với với mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu.
Đến quý 4, mức thâm hụt đó dự kiến sẽ tăng lên. Điều này buộc các nước phải khai thác kho dự trữ để bù đắp thiếu hụt. Theo Bloomberg, nếu sản lượng của OPEC không thay đổi, lượng dầu dự trữ sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ năm 2007 trở lại đây.
Sau khi dữ liệu của OPEC được công bố, giá dầu thô WTI tăng 2% lên 89,05 USD/thùng. Giá dầu Brent chuẩn quốc tế tăng 1,7% lên 92,18 USD/thùng.
Sự mất cân bằng cung – cầu xảy ra khi siêu cường dầu mỏ Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, Nga đang mở rộng giới hạn xuất khẩu dầu.
Mặc dù OPEC thường viện lý do cắt giảm sản lượng để giữ cân bằng cho thị trường dầu, dữ liệu của tổ chức này cho thấy việc cắt giảm đang gây áp lực tiêu cực đối với các kho dự trữ toàn cầu.
Ví dụ, kho dầu thô thương mại giữa thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) giảm hơn 114 triệu thùng so với mức bình quân trong giai đoạn 2015-2019.
Theo Bloomberg, Saudi Arabia có thể đang đặt mục tiêu đưa mức giá dầu lên tới 100 USD/thùng như một cách để đầu tư cho các dự án đắt đỏ trong nước.
Theo cafeF