Giá dầu thô có thể vượt qua mốc 100 USD/thùng vào năm 2024 nếu Nga và Arab Saudi tiếp tục các đợt cắt giảm sản lượng lớn, theo cảnh báo từ Goldman Sachs (NYSE:GS). Đầu tuần, Arab Saudi và Nga thông báo sẽ gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện đến hết năm 2023. Sau khi quyết định trên được công bố, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã vượt quá mốc 91 USD/thùng, lần đầu tiên trong vòng 10 tháng trở lại đây, theo CNN.
Từ trước khi hai nước chính thức ra thông báo, Goldman Sachs đã tính tới khả năng này khi đưa ra dự báo rằng giá dầu Brent sẽ đạt 86 USD/thùng vào tháng 12 năm nay và lên 93 USD/thùng vào cuối năm 2024. Hiện giờ, các ngân hàng Phố Wall đang nhận thấy có hai rủi ro có thể kéo giá năng lượng lên cao hơn nữa:
- Thứ nhất, Goldman Sachs dự kiến nguồn cung dầu của Arab Saudi sẽ thấp hơn 500.000 thùng/ngày so với kỳ vọng trước đây. Chỉ riêng việc này có thể sẽ khiến giá dầu tăng thêm 2 USD/thùng.
- Thứ hai, Goldman Sachs cảnh báo rằng một số giả định cũ của ngân hàng về sản lượng dầu mỏ có thể thành sai lầm nếu OPEC+ gia hạn các đợt cắt giảm.
Vào tháng 4 năm nay, OPEC+ ra quyết định cắt giảm 1,7 triệu thùng dầu/ngày. Goldman Sachs từng dự đoán rằng đến tháng 1/2024, mức giảm sản lượng đó sẽ hạ xuống còn một nửa. Nhưng giờ Goldman Sachs nhận thấy khả năng OPEC+ sẽ không khôi phục lại sản lượng đã giảm.Các nhà phân tích tại Goldman Sachs viết trong báo báo gần đây: “Hãy thử xem xét kịch bản OPEC+ giữ nguyên mức cắt giảm trong năm 2023 sang năm 2024, và Arab Saudi chỉ tăng sản lượng một cách chậm chạp”. Trong trường hợp này, họ dự đoán giá dầu Brent có thể leo lên 107 USD/thùng vào tháng 12/2024.
Giá tăng quá cao có thể bất lợi cho OPEC+?
Tuy nhiên, Goldman Sachs cũng nhấn mạnh rằng việc OPEC+ để giá dầu tăng tới 107 USD/thùng không phải “kịch bản chính” của họ bởi chiến lược này có thể phản tác dụng.
Giá năng lượng tăng cao sẽ giúp Arab Saudi cân bằng ngân sách và giúp Nga tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, Goldman Sachs cho biết việc giá tăng lên đến ba chữ số có thể khuyến khích các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tăng cường sản lượng. Giá cao cũng có thể đẩy nhanh các khoản đầu tư vào việc phát triển năng lượng sạch.
Lý do khác có thể khiến OPEC+ không muốn để giá dầu lên 100 USD/thùng là “tầm quan trọng về mặt chính trị của giá xăng tại Mỹ”. Các tổng thống Mỹ không muốn thấy giá xăng nhảy vọt, đặc biệt là trong giai đoạn trước bầu cử.
Khi được hỏi về thông báo giảm sản lượng của Nga và Arab Saudi hôm 6/9, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng Tổng thống Joe Biden sẽ “cố gắng làm mọi thứ trong khả năng để giúp mọi người có thể đổ xăng với giá thấp hơn. Nước Mỹ mong muốn thị trường toàn cầu sẽ có được nguồn cung năng lượng ổn định và hiệu quả, để người tiêu dùng được hưởng lợi”.
Theo investing