3 quỹ ETF tổng quy mô hơn 2 tỷ USD có động thái gì đầu tháng 8? Thị trường 22/8

Fubon ETF, DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF trong nửa đầu tháng 8 có những động thái gì đáng chú ý? Một ngân hàng đã quay đầu giảm mạnh lãi suất huy động từ hôm nay 22/8. Nhật Bản giảm nhập khẩu LNG và than của Nga… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Ba ngày 22/8.

1. Fubon ETF, DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF trong nửa đầu tháng 8 có những động thái gì đáng chú ý?

3 quỹ ETF có tổng quy mô hơn 2 tỷ USD bán ròng hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam từ đầu tháng 8. Sau khi mua ròng mạnh trong giai đoạn quý 4/2022 đến quý 1/2023, khối ngoại đã có động thái đảo chiều sang bán ròng liên tục từ đầu tháng 4 với tổng giá trị lên đến hơn 8.700 tỷ đồng trên HOSE. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 1.700 tỷ đồng. Dòng vốn ngoại đảo chiều có một phần nguyên nhân đến từ việc các quỹ ETF bị rút vốn mạnh thời gian qua, đặc biệt là Fubon ETF.

Quỹ ngoại đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã bất ngờ bị rút vốn 3 tháng liên tiếp với giá trị tăng dần. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, quỹ đã bị rút ròng 28,5 triệu USD (~680 tỷ đồng). Kể từ khi rót vốn vào thị trường Việt Nam từ tháng 3/2021, Fubon ETF chưa bao giờ trải qua giai đoạn bị rút vốn mạnh như hiện nay. Hiện tại, Fubon ETF đang là quỹ ETF có quy mô lớn nhất đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam với NAV lên đến 28,1 tỷ TWD (~872 triệu USD, tương đương 21.000 tỷ đồng). Fubon ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại).

A graph with numbers and a red dotDescription automatically generated

Hai quỹ ETF nội lớn nhất thị trường là DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF với NAV lần lượt 19.800 tỷ và 8.000 tỷ đồng cũng có động thái tương tự Fubon ETF, đều bị rút vốn mạnh kể từ đầu tháng 8. Quỹ mô phỏng chỉ số VNDiamond bị rút ròng 380 tỷ từ đầu tháng 8 và 630 tỷ đồng luỹ kế từ đầu năm trong khi con số này với quỹ mô phỏng VN30 lần lượt là 670 tỷ và 770 tỷ đồng.

DCVFM VN30 ETF bị rút vốn không còn quá xa lạ với nhà đầu tư nhưng DCVFM VNDiamond ETF cũng bị rút ròng là một điều khá bất ngờ. Quỹ tham chiếu theo rổ VNDiamond gồm toàn cổ phiếu hết room, từng là thỏi nam châm hút vốn rất mạnh trong năm ngoái với giá trị hơn 7.300 tỷ đồng, chỉ sau Fubon ETF.

Việc bộ đôi ETF của DCVFM bị rút vốn mạnh thời gian gần đây phần nào đó đến từ việc nhà đầu tư Thái Lan giảm sở hữu qua kênh chứng chỉ lưu ký (DR). Lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ FUEVFVND của DCVFM VNDiamond ETF đã giảm gần 7 triệu đơn vị từ đầu tháng 8 và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tháng.

Tương tự, lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ E1VFVN30 của DCVFM VN30 ETF cũng giảm gần 7 triệu đơn vị từ đầu tháng 8 và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 tháng, kể từ giữa tháng 10 năm ngoái. Tỷ lệ chuyển đổi giữa DR và chứng chỉ quỹ cơ sở là 1:1 đồng nghĩa với việc người Thái đã bán ra lượng lớn 2 chứng chỉ quỹ ETF của Việt Nam từ đầu tháng 8 đến nay.

Như vậy, 3 quỹ ETF hàng đầu thị trường với tổng quy mô danh mục lên đến gần 50.000 tỷ (~2 tỷ USD) đã bị rút ròng hơn 1.700 tỷ đồng từ đầu tháng 8. Điều này đồng nghĩa với việc hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam đã bị các quỹ này bán ròng chỉ trong khoảng 3 tuần trở lại đây.

2. Một ngân hàng đã quay đầu giảm mạnh lãi suất huy động từ hôm nay 22/8

Từ ngày hôm nay 22/8, HDBank (HM:HDB) giảm lãi suất huy động khoảng 0,2-0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong đó, lãi suất kỳ hạn tiền gửi 6 tháng theo hình thức online giảm từ 6,8% xuống 6,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2 điểm % xuống còn 6,8%/năm. Kỳ hạn 13 tháng là kỳ hạn có lãi suất tiền gửi cao nhất tại HDBank, cũng đã giảm mạnh từ 7,3% xuống 7%/năm. Lãi suất kỳ hạn dài như 36 tháng giảm 0,3 điểm % còn 6,6%/năm. Trước đó, cách đây khoảng 2 tuần, HDBank đã bất ngờ tăng lãi suất huy động khá mạnh, tăng 0,5 điểm % lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng và tăng 0,2 điểm % kỳ hạn 12 tháng, 0,5 điểm % kỳ hạn 13 tháng.

Một ngân hàng tư nhân lớn khác cũng vừa thay đổi biểu lãi suất là SHB (HM:SHB). Ngân hàng này đã giảm 0,1 điểm % các kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 24 tháng, 36 tháng xuống mức 6,8%/năm (hình thức tiết kiệm online). Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống 6,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn ngắn 1 tháng, 3 tháng được giữ nguyên mức 4,5 – 4,75%/năm.

Tương tự từ ngày 11/8, TPBank cũng giữ nguyên lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng nhưng tiếp tục giảm 0,1-0,2 điểm % kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2 điểm % xuống còn 6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 6,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm 0,1 điểm % xuống 6,6%/năm, đây cũng là mức lãi suất cao nhất TPBank áp dụng cho hình thức tiết kiệm online.

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước và 4 ngân hàng nước ngoài vào sáng ngày 22/8 cho thấy, mức lãi suất huy động cao nhất đang được niêm yết vẫn là 8,3%/năm. Theo đó, mức lãi suất này đang được Ngân hàng Đông Á áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 1 tỷ trở lên.

Các ngân hàng tư nhân nhỏ hầu hết đang niêm yết lãi suất cao nhất trong khoảng 6,9 – 7,4%/năm. Tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn, mức lãi suất cao nhất chủ yếu dao động trong khoảng 6,2 – 6,9%/năm.

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV (HM:BID), Vietcombank (HM:VCB), Vietinbank (HM:CTG) có lãi suất tiền cao nhất là 6,3%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

3. Nhật Bản giảm nhập khẩu LNG và than của Nga

Nhật Bản ghi nhận nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tháng 7 từ Nga đã giảm 53,6% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2022, theo số liệu do Bộ tài chính Nhật Bản công bố ngày 18/8.

Chiều ngược lại, nhập khẩu than từ Nga của Nhật Bản giảm 72,9% trong giai đoạn cùng kỳ. Nước này cũng không mua dầu của Nga. Trước đó, các nước G7 đã áp đặt chính sách giá trần lên dầu mỏ của Nga, không bao gồm nguồn cung từ Sakhalin-2, nơi cung cấp LNG chính cho Nhật Bản.

Theo TASS, tỷ trọng LNG của Nga đã giảm khoảng 5% trong tổng cơ cấu nhập khẩu LNG của Nhật.

Việc giảm mua LNG và than của Nga là một trong những yếu tố chính lý giải tình trạng sụt giảm kim ngạch thương mại Nhật Bản-Nga. Mặc dù xuất khẩu sang Nga tăng 25%, nhập khẩu lại giảm 69,6%. Tài nguyên năng lượng chiếm hơn 58% xuất khẩu.

Theo investing

0865 205 590