Trong bối cảnh nguồn thu phí dịch vụ từ kênh bảo hiểm, trái phiếu giảm, các ngân hàng phải đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn thu mới để bù đắp cho các khoản thu nhập ngoài lãi. Tài chính Ngân hàngBảo hiểm, trái phiếu gặp khủng hoảng, ngân hàng tìm nguồn thu mới ở đâu?Hoàng Yến • {Ngày xuất bản}Trong bối cảnh nguồn thu phí dịch vụ từ kênh bảo hiểm, trái phiếu giảm, các ngân hàng phải đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn thu mới để bù đắp cho các khoản thu nhập ngoài lãi.
Bancassurance không còn là gà đẻ trứng vào
Vài năm gần đây, hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) là một nguồn thu lớn của các nhà băng. Một số ngân hàng từng thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ hoạt động này. Chẳng hạn như MB từng đạt doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng từ bảo hiểm vào năm 2022, chiếm khoảng 72% tổng thu nhập mảng dịch vụ tại ngân hàng này.
Tuy nhiên, loạt lùm xùm liên quan đến bancassurance gần đây đã tạo lên cuộc khủng hoảng niềm tin trong ngành bảo hiểm – được phản ánh rõ nét trong thu nhập từ bảo hiểm của một số ngân hàng nửa đầu năm 2023.
Trong số 29 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023, chỉ có 8 ngân hàng đưa ra thông tin chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm nằm trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Trong đó, có đến 7 ngân hàng ghi nhận hoạt động này giảm sau 6 tháng đầu năm.
Báo cáo tài chính quý 2 của MB đã ghi nhận khoản thu nhập từ hoạt động bán bảo hiểm giảm 17,1% xuống còn gần 4.200 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Nếu trừ đi khoản chi phí cho hoạt động này là 2.600 tỷ đồng, MB lãi được hơn 1.500 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2023, giảm 23%.
VPBank (HM:VPB), VIB (HM:VIB), Techcombank (HM:TCB) và TPBank cũng là các ngân hàng có thu nhập từ hoạt động bảo hiểm cao trong hệ thống. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, doanh thu từ bảo hiểm tại VIB, Techcombank và TPBank lần lượt là 1/385 tỷ đồng, 315 tỷ đồng, 290 tỷ đồng và 223 tỷ đồng, giảm tương ứng 8%, 46%, 53% và 55% so với cùng kỳ.
SeABank và KienlongBank cũng ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm sụt giảm mạnh. Theo đó, SeABank ghi nhận khoản thu 46 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ, còn KienlongBank thu được 11 tỷ đồng, giảm 63%.
PG Bank là ngân hàng duy nhất trong số 8 ngân hàng ghi nhận sự khởi sắc từ doanh thu bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, doanh thu từ dịch vụ bảo hiểm của PG Bank đã tăng từ 5 tỷ đồng lên 11 tỷ đồng.
Trái phiếu doanh nghiệp cũng gặp khó
Không chỉ thu từ bảo hiểm, nguồn thu phí từ hoạt động tư vấn, bảo lãnh, phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhiều ngân hàng cũng đã và đang tiếp tục suy giảm, trong bối cảnh kênh đầu tư này vừa bị các cơ quan quản lý thắt chặt vừa đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư.
Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh. Điều này đến từ việc các thương vụ đầu tư mới bị ngưng lại vì các doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành mới, doanh nghiệp cũng phải mua lại trước hạn những trái phiếu phát hành sai mục đích sử dụng vốn hoặc có nguy cơ sai phạm.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm tháng đầu năm 2023 là 34.258 tỉ đồng, giảm đến 70% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, ngoài ảnh hưởng bởi nguồn thu phí, các trái phiếu doanh nghiệp còn lại mà ngân hàng đang nắm giữ cũng có thể đối mặt với rủi ro lãi suất, khi chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng tăng lên theo xu hướng lãi suất thị trường, nhưng nhiều trái phiếu doanh nghiệp dù có lãi suất thả nổi song lại tham chiếu đến lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh, vốn thường xuyên niêm yết thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Ngân hàng tìm nguồn thu mới ở đâu?
Trong bối cảnh nguồn thu phí dịch vụ từ bancassurance, trái phiếu giảm, các ngân hàng phải đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn thu mới để bù đắp cho các khoản thu nhập ngoài lãi, nhất là khi nguồn thu nhập từ lãi vay cũng đang gặp nhiều thách thức do tăng trưởng tín dụng trì trệ từ đầu năm đến nay và áp lực nợ xấu gia tăng và trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng có thể bào mòn lợi nhuận.
Theo đó, các ngân hàng đã quay về với các sản phẩm, dịch vụ truyền thống để đa dạng hóa và tối ưu hóa nguồn thu nhập ngoài lãi.
Cụ thể, nhiều ngân hàng gần đây đã có động thái bỏ hoặc điều chỉnh KPI về doanh số bancassurance và thay thế bằng một loạt chỉ tiêu ở các sản phẩm để thúc đẩy thu phí dịch vụ như chỉ tiêu thẻ tín dụng, số lượng tài khoản mở trực tuyến, tài khoản số đẹp, tài khoản đăng ký E-Banking,…
Các dịch vụ này cũng có thể mang lại cho ngân hàng nhiều lợi ích như gia tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA); tăng dư nợ cho vay bán lẻ tại các ngân hàng với thẻ tín dụng. Đặc biệt, khi tỷ trọng dư nợ thẻ tín dụng trong tổng dư nợ tại nhiều ngân hàng vẫn còn thấp, dư địa phát triển vẫn còn nhiều nên không ít ngân hàng đã quay trở lại khai phá mảnh đất màu mỡ này.
Đáng chú ý, thời gian qua, một số ngân hàng đã bắt đầu triển khai dịch vụ Private Banking – mô hình dịch vụ chuyên biệt dành cho giới nhà giàu, bao gồm các giải pháp quản lý tài sản và đáp ứng mọi nhu cầu liên quan đến tài chính và phi tài chính của khách hàng như đầu tư, kế hoạch thừa kế, thủ tục cư trú, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm,…
Theo số liệu từ Wealth Report, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng người giàu nhanh hàng đầu thế giới. Với thu nhập người dân tăng lên và tầng lớp thượng lưu xuất hiện nhiều hơn, Private Banking sẽ phân khúc còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng cho các ngân hàng.
Theo Người quan sát