Việc Mỹ công bố số liệu lạm phát đã gây biến động trên thị trường, khiến các đồng tiền mạnh như đồng yen, euro và bảng Anh tăng giá trong một thời gian ngắn so với đồng USD.
Trong bài phân tích mới đây trên trang mạng it.investing.com, ông Gunay Caymaz, chuyên gia tài chính của Ngân hàng AKBank, một trong những ngân hàng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, đã đánh giá về những tác động đối với các đồng yen, euro và bảng Anh khi đồng USD biến động.
Việc Mỹ công bố số liệu lạm phát đã gây biến động trên thị trường, khiến các đồng tiền mạnh tăng giá trong một thời gian ngắn so với đồng USD.
Chỉ số đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất là 101 tại thời điểm Mỹ công bố số liệu lạm phát, nhưng đã nhanh chóng phục hồi và ổn định trở lại quanh phạm vi 102.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, vốn thường xuyên biến động, của Mỹ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn còn cách xa mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặt ra, cho thấy xu hướng duy trì chính sách hiện tại.
Dù xác suất tăng lãi suất vào tháng Chín chỉ là 10%, khả năng tăng lãi suất trong năm 2023 vẫn còn để ngỏ.
Fed dự kiến sẽ chỉ xem xét hạ lãi suất vào cuối quý 1/2024, củng cố quan điểm cho rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian, điều sẽ hỗ trợ đồng USD.
Với lãi suất chuẩn trên 5%, Mỹ là một lựa chọn ngày càng hấp dẫn so với các quốc gia có đồng tiền mạnh khác.
Điều này tạo lợi thế cho đồng USD so với đồng yen, trong khi đồng euro và bảng Anh phục hồi đáng kể trong bối cảnh lãi suất tăng ở Khu vực sử dụng đồng euro và Anh. Tuy nhiên, chính xu hướng này đã hỗ trợ đồng USD so với các đồng tiền của các quốc gia châu Á có lãi suất thấp hơn.
Tỷ giá euro và USD tăng trở lại sau khi số liệu lạm phát của Mỹ được công bố, đảo ngược xu hướng giảm bắt đầu vào giữa tháng Bảy, khi tỷ giá ở mức 1,08 USD/euro.
Nếu tỷ giá giữa hai đồng tiền này phá ngưỡng 1 euro đổi 1,1 USD trong những ngày tới, điều này có thể kích hoạt một đợt tăng giá của đồng euro, đưa đồng tiền này quay về mức 1,13 USD.
Ngược lại, nếu tỷ giá dưới 1,1 USD/euro, có khả năng đồng tiền này sẽ dò đáy quanh mức 1,08 USD/euro.
Trong khi đó, đồng bảng Anh đã mạnh lên so với đồng USD trong năm 2023. Vào tháng Bảy, tỷ giá bảng/USD đã gặp ngưỡng kháng cự 1,3 USD/bảng, sau đó trải qua giai đoạn điều chỉnh do áp lực bán ra.
Trong tuần này, đồng bảng đã trượt xuống mức 1,26 USD/bảng, tiến gần đến đáy.
Điều quan trọng là đồng bảng phải phục hồi về mức 1,27 USD/bảng để đảm bảo sự phục hồi. Nếu không, đồng tiền này có thể mất ngưỡng hỗ trợ xung quanh mức 1,26 USD/bảng, giảm xuống 1,21 USD/bảng trong thời gian tới.
Ngược lại, việc giữ ngưỡng hỗ trợ 1,26 USD/bảng vào cuối tuần có thể mở đường cho vùng kháng cự tiếp theo khoảng 1,35 USD/bảng.
Đối với đồng yen, tỷ giá USD/yen đã có xu hướng tăng trong hầu hết năm nay, sau khi giảm nhẹ vào cuối năm ngoái. Tỷ giá giữa hai đồng tiền này chịu tác động đáng kể bởi những khác biệt trong chính sách tiền tệ của Fed và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Trong khi Mỹ đang tăng dần lãi suất, BoJ vẫn quyết tâm duy trì lãi suất ở mức thấp.
Tuy nhiên, có khả năng Nhật Bản sẽ can thiệp vào thị trường nhằm hạn chế đà tăng nhanh của tỷ giá hối đoái.
Vào tháng 9/2022, khi đồng USD vượt mốc 145 yen/USD, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu mua đồng yen, khiến tỷ giá giảm xuống cho đến khi ổn định quanh mức 127 yen/USD vào đầu năm 2023.
Hiện tại, đồng USD vẫn chưa tăng đến ngưỡng 145 yen/USD, mức cho thấy khả năng Nhật Bản can thiệp. Việc tỷ giá gần đây giảm từ mức 145 yen/USD cho thấy đây là một điểm kháng cự khó phá vỡ.
Việc đồng USD có thể phá mốc này có thể mở đường cho việc tiến tới ngưỡng 150 yen/USD, mức cao nhất được ghi nhận tháng 10/2022. Ngược lại, tỷ giá giữa hai đồng tiền có thể tạm thời lùi về mức 140 yen/USD./.
Theo Vietstock