Việc đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn nhằm tạo tính thanh khoản là dấu hiệu tích cực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn nên thận trọng trước những yếu tố thận trọng trong sự lạc quan hiện tại.
Kỳ vọng lạc quan
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/7. Trong ngày đầu tiên có 19 mã giao dịch trái phiếu của ngân hàng Vietcombank (HM:VCB), và 2 công ty VinFast, Tracodi được đăng ký giao dịch. Thống kê cho thấy, có 5.052.249 trái phiếu được chuyển nhượng với tổng giá trị giao dịch đạt 1.781 tỷ đồng trong phiên hôm qua.
Đây có thể coi là bước tiến mạnh mẽ của thị trường ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ cho trái phiếu doanh nghiệp, giúp khơi thông dòng vốn trên thị trường. Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của FiinGroup, việc ra đời hệ thống kê khai và giao dịch tập trung tại HNX đối với trái phiếu riêng lẻ là một bước tiến lớn cho thị trường này.
-
Hoạt động kê khai tập trung và với các yêu cầu về kê khai thông tin về tổ chức phát hành và về lô trái phiếu đó sẽ góp phần cải thiện minh bạch thông tin cho thị trường và làm cơ sở cho nhà đầu tư trong việc ra quyết định và chịu trách nhiệm về khoản đầu tư của mình. Thực tế, chứng khoán là trái phiếu với thu nhập cố định sẽ không có thanh khoản cao như cổ phiếu bởi mọi người chủ yếu mua là để nắm giữ đến ngày đáo hạn, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức. Việc kê khai và giao dịch tập trung sẽ là cơ sở để nhà đầu tư có thể thực hiện và tự tin ký vào cam kết đó hoặc giao dịch thứ cấp trên sàn giao dịch. Điều này từng bước sẽ góp phần giúp thị trường xác định đó chính là một sản phẩm chứng khoán chứ không phải là một khoản tiền gửi tiết kiệm có thu nhập cố định như trước kia. Khi đó, nhà đầu tư sẽ có một tâm thế chấp nhận rủi ro so với kỳ vọng lãi suất hay lợi tức đã được niêm yết.
- Việc để trái phiếu riêng lẻ lên sàn sẽ góp phần thực hiện giải quyết vấn đề thanh khoản khi cần thiết. Trái phiếu được giao dịch tập trung tại HNX thay vì các nền tảng giao dịch của các công ty chứng khoán sẽ góp phần thực hiện giao dịch thuận lợi hơn thay vì phải qua các thủ tục tìm kiếm bên mua và bên bán theo hình thức khá thủ công hiện nay mặc dù hệ thống giao dịch của một số công ty chứng khoán cũng rất thuận lợi.
-
Việc kê khai và giao dịch tập trung này sẽ góp phần tạo đường cong lãi suất cho từng trái phiếu tùy theo mức xếp hạng tín nhiệm hay đánh giá chất lượng trái phiếu của thị trường và tùy theo kỳ hạn của trái phiếu. Khi đó, giá trái phiếu được hình thành và có thể có mức lợi tức (yield) khác so với mức lãi suất danh nghĩa (coupon) ban đầu. Nếu một doanh nghiệp ban đầu phát hành trái phiếu với lãi suất 10%, nếu doanh nghiệp có sự cải thiện về chất lượng tín dụng hoặc cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm thì dần dần mức lợi tức sẽ có thể giảm thấp hơn 10% và khi đó giá niêm yết của trái phiếu sẽ cao hơn mệnh giá ban đầu. Ngược lại, nếu doanh nghiệp yếu đi thì lợi tức trái phiếu sẽ tăng lên và làm cho giá trái phiếu giảm đi.
Bên cạnh đó, việc giao dịch và hình thành đường cong lãi suất trái phiếu sẽ giải quyết vấn đề định giá trái phiếu. Điều này là rất cần thiết cho các định chế đầu tư nhằm phục vụ công tác quản trị rủi ro, báo cáo và tuân thủ.
Nhà đầu tư nên thận trọng điều gì?
Không thể phủ nhận việc đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn nhằm tạo tính thanh khoản là dấu hiệu tích cực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường không nên quá lạc quan về điều này.
Việc đưa lên sàn các trái phiếu riêng lẻ, để những trái phiếu đó được giao dịch công khai – điều mà từ trước đến nay chỉ dành cho trái phiếu phát hành đại chúng, sẽ dẫn đến nhiều rủi ro tiềm ẩn cho cả thị trường và các nhà đầu tư. Sở dĩ như vậy là do để lên sàn giao dịch, tất cả các thông tin về doanh nghiệp, nhà phát hành, tình hình tài chính, thông tin về trái phiếu, giá cả, mệnh giá, giá thị trường…, phải được công bố công khai, minh bạch. Trong khi đó, thực tế cho thấy, hầu hết các nhà phát hành riêng lẻ đều không muốn công bố các thông tin này.
Trên thị trường phát hành trái phiếu riêng lẻ, các nhà phát hành không phải công bố các thông tin về tình hình tài chính, báo cáo tài chính, hoạt động kinh doanh. Nhiều công ty phát hành trái phiếu riêng lẻ có sức khoẻ tài chính không ổn định đã dùng các công cụ để đẩy giá trái phiếu. Hầu hết các nhà đầu tư bị dẫn dụ vào các trái phiếu sinh lời nhanh nhưng không hiểu rõ về tình hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.
Thời gian vừa qua, các “đại án” như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh chính là ví dụ điển hình nhất cho rủi ro của việc phát hành trái phiếu riêng lẻ do doanh nghiệp không minh bạch thông tin, đẩy giá trái phiếu.
Trong khi đó, với việc đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn, điều này có nghĩa, các cơ quan quản lý nhà nước cần buộc các nhà phát hành phải công bố thông tin, tình hình tài chính doanh nghiệp để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Thông tư 30 của Bộ Tài chính ban hành giữa tháng 5 vừa qua về hướng dẫn việc đăng ký, tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ lại chỉ quy định doanh nghiệp phát hành phải cung cấp thông tin, nhưng lại không nêu một cách cụ thể các thông tin cần cung cấp.
“Nếu quy định mới về phát hành riêng lẻ lên sàn mà không đòi hỏi các nhà phát hành phải công bố thông thì rõ ràng là điều không nên làm”, ông Hiếu nhận định và cho rằng, rủi ro cho các nhà đầu tư là rất lớn. Trong khi đó, nếu bắt buộc các nhà phát hành công bố thông tin, thì lại đi ngược lại mong muốn của họ là không cần phải công bố thông tin của mình để dễ huy động, đẩy giá trái phiếu.
Chính vì vậy, về mặt lý thuyết, việc đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn là dấu hiệu tích cực giúp tạo tính thanh khoản cho thị trường, các trái phiếu riêng lẻ trên thị trường thứ cấp có giao dịch và trong tương lai các nhà phát hành riêng lẻ có thể lên sàn. “Tuy nhiên, về mặt thực tế, có lẽ các nhà phát hành riêng lẻ sẽ không “rầm rộ” nhảy vào các sàn giao dịch này, vì nó đòi hỏi những điều họ không mong muốn”.
Mặt khác, nếu các doanh nghiệp này có thể công khai thông tin, tình hình tài chính, họ đã là những nhà phát hành ra công chúng, chứ không phải phát hành riêng lẻ. Do đó, việc đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn là một trong những tín hiệu lạc quan đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, song cũng nên thận trọng để đánh giá lại.
Đánh giá về rủi ro cho các nhà đầu tư khi giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên sàn, trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước quy định chặt chẽ về việc nhà phát hành riêng lẻ phải công bố thông tin tài chính của mình, đây sẽ là yếu tố thuận lợi giúp nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng”, lựa chọn được các trái phiếu chất lượng, thay vì trước đó, các doanh nghiệp phát hành không công khai minh bạch thông tin.
Tuy nhiên, một bất lợi rất lớn với các nhà đầu tư đã mua trái phiếu từ trước là giá giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên sàn sau thời gian thị trường gặp khủng hoảng, nhiều khả năng đã xuống mức thấp hơn rất nhiều so với mức giá họ mua ban đầu.
Các nhà đầu tư ở giai đoạn trước mua trái phiếu theo mệnh giá của nhà phát hành, nhưng với việc trái phiếu riêng lẻ lên sàn như hiện nay, mức giá giao dịch sẽ là giá thị trường. Rủi ro cho các nhà đầu tư vẫn còn đó, chưa được hạn chế qua việc lên sàn của trái phiếu riêng lẻ.
Trái phiếu là sản phẩm đầu tư thông thường có rủi ro thấp hơn chứng khoán cổ phiếu niêm yết, nhưng khi một doanh nghiệp phát hành rơi vào tình trạng chậm thanh toán trái phiếu hay còn gọi là vỡ nợ thì giá trái phiếu thông thường giảm rất sâu và trong nhiều trường hợp có thể mất tới 80-90% giá trị là điều bình thường.
Do đó, khi các doanh nghiệp tham gia thị trường này cũng sẽ phải đánh đổi giữa giá trị khai thác từ thị trường này và những tổn thất có thể đến. Việc quản trị rủi ro tài chính sẽ trở lên cực kỳ quan trọng.
Theo ông Hiếu, thị trường trái phiếu riêng lẻ tại Việt Nam đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Việc đưa giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên sàn thực tế không thể giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư. Trong khi chính các doanh nghiệp phát hành cũng không mấy mặn mà khi tham gia vào giao dịch trên sàn.
Giải pháp duy nhất để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và phát triển thị trường trái phiếu minh bạch, bền vững là phải rà soát, bổ sung thêm quy định về việc công bố thông tin của các đơn vị phát hành riêng lẻ, tương tự như quy định đối với nhà phát hành trái phiếu ra công chúng.
Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước phải đẩy nhanh việc xếp hạng tín nhiệm, thực hiện quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với các công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói chung.
Các công ty xếp hạng tín nhiệm là đơn vị có trách nghiệm thẩm định, điều tra tình hình hoạt động và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Qua đó, các nhà đầu tư sẽ có nguồn thông tin đáng tin cậy, công khai, minh bạch để lựa chọn trái phiếu đầu tư an toàn, hiệu quả, tránh rủi ro. Chỉ có làm được điều này, thị trường trái phiếu mới có thể phát triển minh bạch, bền vững, khơi thông được thanh khoản và lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường.
Theo investing