Theo Insider, nền kinh tế Nga chỉ còn là cái bóng của 16 tháng trước. Sau cuộc tấn công Ukraine vào tháng 2/2022 và trước khi bị Mỹ và các nước phương Tây trừng phạt kinh tế, Nga từng là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới và đóng vai trò là một nhà xuất khẩu năng lượng đáng tin cậy.
Volodymyr Lugovskyy, Giáo sư kinh tế tại Đại học Indiana, nói với Insider: “Nga có thể sụp đổ thành nhiều mảnh, giống như Liên Xô, và đó có thể không phải là điều xấu đối với thế giới”.
Năm số liệu thống kê dưới đây minh họa cuộc chiến Nga-Ukraine đã định hình lại nền kinh tế Nga theo hướng tồi tệ như thế nào.
Đồng rúp suy yếu
Đồng rúp là một trong những loại tiền tệ hoạt động kém nhất trong năm nay và sự bất ổn về địa chính trị ở Nga đã khiến nó có nhiều biến động lớn.
Ngay sau cuộc nổi dậy thất bại vào tháng 6 của Tập đoàn Wagner, đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng so với đồng USD, khi các công dân Nga hoảng loạn đổi đồng rúp lấy các loại tiền tệ thay thế khác.
Trong tháng 6 vừa qua, giá trị của đồng rúp đã suy yếu đi hơn 6,8% và trước đó, trong năm ngoái đã giảm đi hơn 35%.
Số dư tài khoản vãng lai giảm 93%
Trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, Nga có thặng dư tài khoản vãng lai là 5,4 tỷ USD, tức là giảm tới 93% so với mức kỷ lục 76,7 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga.
Thặng dư tài khoản vãng lai ít dần cho thấy Moscow không thể đảm bảo nhập khẩu những thứ cần thiết trong khi lợi nhuận từ xuất khẩu năng lượng không thể hỗ trợ nền kinh tế như trước đây.
“Sự sụt giảm thặng dư cán cân ngoại thương đối với hàng hóa trong tháng 1 – tháng 6 năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 là do cả khối lượng giao hàng xuất khẩu giảm và tình hình giá cả đối với hàng hóa cơ bản giảm.
Trong các mặt hàng xuất khẩu của Nga, mặt hàng năng lượng có sự sụt giảm giá trị xuất khẩu lớn nhất”, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết trong một tuyên bố.
Sự sụt giảm doanh thu năng lượng
Bộ Tài chính Nga hồi tháng 6 cho biết doanh thu từ thuế dầu khí giảm 36% so với một năm trước, trong khi lợi nhuận từ dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ giảm 31%.
Trước chiến tranh, Nga chịu trách nhiệm cung cấp gần 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Liên minh châu Âu và 1/4 dầu thô của khối liên minh này.
Những con số đó gần như bằng 0 kể từ đó, và mặc dù Nga đã chuyển sang Trung Quốc và Ấn Độ như những người mua thay thế, Moscow buộc phải bán năng lượng với giá chiết khấu cao.
Doanh số bán ô tô của Nga sụt giảm
Trước cuộc tấn công Ukraine, khoảng 100.000 xe hơi đã được bán mỗi tháng trên khắp nước Nga, theo dữ liệu nghiên cứu của Yale được chia sẻ với Insider.
Doanh số bán hàng đó đã giảm xuống còn khoảng một phần tư, không chỉ do giá cả tăng vọt và tâm lý người tiêu dùng sa sút, mà còn do thiếu nguồn cung.
Chảy máu chất xám và di cư
Theo dữ liệu của Yale, hàng triệu người Nga đã di cư kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, riêng Uzbekistan đã tiếp nhận hơn 400.000 công dân chạy di tản.
Theo Yale, dòng vốn và nhân tài rời khỏi Nga được minh họa bằng sự gia tăng chuyển tiền sang các nước láng giềng vốn thường không được coi là trung tâm tài chính, chẳng hạn như Armenia, Georgia và Kyrgyzstan…
“Mặc dù không có biện pháp cụ thể nào cho thấy bao nhiêu vốn đã di chuyển ra khỏi Nga, nhưng sự bùng nổ tiền gửi của người không cư trú trong tài khoản ngân hàng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cho thấy rằng người Nga đang rút vốn sản xuất của họ ra khỏi Nga với tốc độ chóng mặt”, nhà nghiên cứu Jeffrey Sonnenfeld của Yale cho biết.
Theo cafeF