5 vấn đề cốt lõi về thuế suất tối thiểu toàn cầu. Thị trường 12/4

Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 120/TB-VPCP vào ngày 10/4/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đối với cuộc họp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam. Dòng vốn từ Hàn Quốc vào Việt Nam chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư và tỷ giá USD ngày 12/4: NHNN nâng giá bán tham khảo thêm 2 đồng… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Tư ngày 12/4.

1. 5 vấn đề cốt lõi về thuế suất tối thiểu toàn cầu

Báo cáo của Bộ Tài chính chỉ tập trung vào nội dung sửa đổi, điều chỉnh chính sách thuế mà chưa phân tích, đánh giá thật đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của việc áp dụng Thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là những tác động bất lợi đối với những đối tượng nhà đầu tư mà ta đã cam kết ưu đãi, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, cạnh tranh thu hút đầu tư của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thuế suất tối thiểu toàn cầu là chính sách phát sinh từ bên ngoài có ảnh hưởng, tác động sâu sắc nhiều mặt đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia thu hút, tiếp nhận đầu tư. Vì thế, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan (kể cả các nước “nguồn” cũng như nước tiếp nhận đầu tư), đặc biệt là những nước có hoàn cảnh, điều kiện tương tự như Việt Nam, cần có đánh giá kỹ lưỡng tất cả các tác động, nhất là tác động bất lợi để có các giải pháp ứng xử phù hợp.

Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của đại biểu tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo. Báo cáo cần bao quát hết các vấn đề phát sinh để đề xuất, kiến nghị các giải pháp thật phù hợp trong thời gian tới, đồng thời báo cáo phải được bố cục chặt chẽ, rõ ràng hơn, theo đó tập trung nêu bật các vấn đề cốt lõi sau:

  • Quá trình hình thành và nội hàm Thuế suất tối thiểu toàn cầu;
  • Khẳng định rõ việc Việt Nam cần hay không cần, nên hay không nên tham gia;
  • Làm rõ hơn chính sách thuế của ta trong thời gian vừa qua;
  • Phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến: Ngân sách nhà nước; nhà đầu tư; thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam;
  • Giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là giải pháp đối với những đối tượng bị tác động cần cụ thể rõ ràng, phân tích kỹ tác động.

Tháng 10/2021, 136 quốc gia đã tham gia các cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức và đồng ý với Giải pháp cải cách thuế 2 trụ cột, Trong đó, trụ cột 2 về mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024 tới đây.

Đối tượng là các công ty đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn cầu hằng năm từ 750 triệu EUR (tương đương khoảng 870 triệu USD) trong ít nhất 2 năm trong giai đoạn 4 năm liền kề trước thời điểm thực hiện nghĩa vụ thuế.

Bộ KH&ĐT chỉ ra rằng Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư.

Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực: Mức thuế suất phổ thông: 20% (cao hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu); thuế suất ưu đãi: 10%, 15% và 17% tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư; thuế suất ưu đãi đặc biệt có các mức 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm.

Tuy nhiên, khi trụ cột 2 được chính thức áp dụng, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư.

2. Dòng vốn từ Hàn Quốc vào Việt Nam cao nhất, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/3/2023, cả nước có 36.881 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 444,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt hơn 278,3 tỷ USD, bằng gần 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo ngành, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 264,2 tỷ USD (chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 66,7 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với hơn 38,3 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư).

Tính đến này, đã có 143 nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 81,5 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 72,5 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (TQ), Hồng Kông(TQ)…

Cùng với đó, Việt Nam có khoảng 35 nước châu Âu đã rót tiền đầu tư với lũy kế tổng vốn đầu tư hơn 34 tỷ USD. Trong đó, Hà Lan là nước châu Âu đầu tư nhiều tiền nhất vào Việt Nam với lũy kế tổng vốn đầu tư đạt khoảng 13,89 tỷ USD với 421 dự án. Nếu không tính Hà Lan, tổng lũy kế vốn đầu tư của 34 nước châu Âu còn lại đạt khoảng 20,39 tỷ USD.

Hơn nữa, 3 nước láng giếng Campuchia, Lào và Trung Quốc liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm qua. Cụ thể, lũy kế tổng vốn đầu tư từ Campuchia, Lào và Trung Quốc vào Việt Nam đạt lần lượt là 69,43 triệu USD; 71,11 triệu USD và 23,85 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc là nước láng giềng có lũy kế tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lớn hơn 30 nước châu Âu cộng lại (không tính Hà Lan).

3. Tỷ giá USD ngày 12/4: NHNN nâng giá bán tham khảo thêm 2 đồng

Chỉ số Đô la Mỹ, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 102,05 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,12% ở mức 1,0926. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,08% ở mức 1,2436. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,04% ở mức 133,65.

Trong nước, tỷ giá trung tâm  hôm nay (12/4) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.608 VND/USD, tăng thêm 2 đồng so với mức niêm yết sáng qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.428 – 24.788 VND/USD.

Tỷ giá USD trong nước sáng nay tiếp tục ổn định. Một số ngân hàng nâng nhẹ giá mua bán USD như Vietcombank (HM:VCB) với 10 đồng, BIDV (HM:BID) với 5 đồng còn và Sacombank (HM:STB) với 3 đồng. Các nhà băng còn lại giữ nguyên tỷ giá USD như mức niêm yết cùng giờ sáng qua.

Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.220 – 23.300 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.600 – 23.751 VND/USD. Trong đó, BIDV có giá mua USD cao nhất còn giá bán USD thấp nhất nằm ở BIDV và Eximbank (HM:EIB).

Trên thị trường “chợ đen”, khảo sát lúc 9h sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 23.420 – 23.470 VND/USD, giá mua và giá bán không đổi so với mức ghi nhận giờ này hôm qua.

Theo investing

0865 205 590