Thị trường chứng khoán Mỹ đang diễn biến theo cách mà Fed không hề mong muốn.
Phía sau những cánh cửa đóng kín, các nhà hoạch định chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lo ngại thị trường chứng khoán tăng điểm đang phá tan nỗ lực kiểm soát lạm phát của họ. Tuy nhiên, mỗi lần Chủ tịch Jerome Powell xuất hiện trước công chúng, ông lại khiến các nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn.
Khi Powell bước lên bục phát biểu chiều 1/2, các chỉ số chứng khoán Mỹ đang ở gần mức đáy của phiên. Fed vừa tăng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp và còn phát đi tín hiệu lãi suất sẽ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, khi ông sắp kết thúc bài phát biểu dài 45 phút, thị trường lại đảo chiều tăng điểm mạnh. Chỉ số S&P 500 tăng 1,8%. Không chỉ cổ phiếu, trái phiếu kho bạc cũng như trái phiếu doanh nghiệp cùng với tiền số đều tăng giá.
Có vẻ như mục đích của Powell là phát đi 1 thông điệp cứng rắn rằng Fed vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khống chế lạm phát. Thế nhưng nhà đầu tư đã không cảm nhận được điều đó. Ngược lại, họ suy diễn rằng Chủ tịch Fed nhìn thấy bằng chứng rõ ràng cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, và ông ấy cũng không quan tâm đến đà tăng của TTCK trong tháng 1 vừa qua.
Theo Jeffrey Rosenberg, chuyên gia của BlackRock, dường như ông Powell cũng không hiểu ý của nhà đầu tư. Trong 2 cuộc họp liên tiếp gần đây, câu hỏi đầu tiên mà ông nhận được tại buổi họp báo là: ông có lo ngại thị trường chứng khoán tăng điểm sẽ khiến tình hình tài chính đỡ căng thẳng hơn, từ đó ảnh hưởng đến nỗ lực chống lạm phát hay không? Một lần nữa, Chủ tịch Fed lại chọn lối nói mềm mỏng: “Đối với điều kiện tài chính, chúng tôi không tập trung vào những biến động ngắn hạn mà vào những thay đổi mang tính dài hạn”.
Trước khi ông Powell phát biểu, Fed vừa tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên mức 4,5% – 4,75%. Không những thế, biên bản cuộc họp còn khẳng định lãi suất sẽ tiếp tục tăng. Chính Chủ tịch Fed cũng nhiều lần nhấn mạnh mặc dù áp lực giá cả đã hạ nhiệt, cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc.
Do đó, nhà đầu tư lo ngại những động thái mới của Fed là nhằm mục tiêu hạ nhiệt thị trường chứng khoán. Và tâm lý ấy đã ngay lập tức được dỡ bỏ sau câu trả lời của ông Powell.
Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 6% trong tháng 1, đánh dấu tháng tốt nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. VIX – chỉ số được mệnh danh là đo lường mức độ sợ hãi của nhà đầu tư – giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022.
Tâm lý lạc quan còn hiển hiện rõ hơn trên thị trường hợp đồng hoán đổi lãi suất, nơi các trader đang dự đoán nửa cuối năm nay Fed sẽ hạ lãi suất nửa điểm phần trăm vào nửa cuối năm nay, sau khi lãi suất đạt đỉnh ở mức gần 4,9%.
Theo Adam Phillips, giám đốc phụ trách chiến lược danh mục của EP Wealth Advisors, thị trường đang diễn biến theo cách mà Fed không hề mong muốn. “Ngạc nhiên là ông Powell đã không sử dụng cơ hội này để thức tỉnh các nhà đầu tư. Có rất nhiều cách để nói rằng quá trình chống lạm phát đã có tiến triển nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng ông ấy lại chọn cách khiến nhà đầu tư hiểu nhầm”.
Tham khảo Bloomberg