Theo báo cáo mới nhất, KBSV Research cho rằng có 4 yếu tố chính sẽ định hình xu hướng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian tới.
4 yếu tố này bao gồm xu hướng mặt bằng lãi suất, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết, triển khai hệ thống KRX và vấn đề chính sách tiền tệ của Fed cũng như rủi ro suy thoái của Mỹ.
Qua đó, các chuyên viên dự báo VN-Index cuối năm 2023 xuống 1,160 điểm; từ mức dự báo 1,240 điểm đưa ra đầu năm cũng như trong báo cáo chiến lược quý gần nhất. Song song đó, KBSV nâng nhẹ dự phóng tăng trưởng EPS 2023 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE lên 1% và hạ mức P/E hợp lý của VN-Index xuống 14.5 lần (từ mức 15.5 lần trong báo cáo gần nhất).
Lãi suất sẽ không còn là yếu tố hỗ trợ mạnh cho TTCK
Theo KBSV, xu hướng giảm của lãi suất trong 9 tháng đầu năm là yếu tố hỗ trợ rất lớn cho thị trường. Tuy nhiên, xu hướng giảm của lãi suất gặp nhiều cản trở trong 3 tháng cuối năm khi bắt đầu xuất hiện những cơn gió ngược.
“Với mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là duy trì mặt bằng lãi suất thấp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chúng tôi không cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ đảo chiều tăng trong năm nay (trừ khi DXY và Bond yield tiếp tục tăng nóng)”, KBSV nhận định.
Báo cáo nhìn nhận xu hướng hạ lãi suất các tháng cuối năm nay sẽ không thuận lợi và dư địa chính sách tiền tệ nới lỏng được đánh giá thu hẹp đáng kể trong quý 4/2023. Theo đó, yếu tố chính sách không còn mang tính hỗ trợ mạnh cho thị trường trong 3 tháng cuối năm.
Về áp lực tỷ giá, các chuyên viên đánh giá vẫn còn lớn trong giai đoạn cuối năm do chênh lệch lãi suất USD/VND vẫn duy trì ở mức cao, xu hướng mạnh lên của USD tiếp tục duy trì và nền kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng.
“KBSV dự báo tỷ giá sẽ tăng khoảng 3.5% so với đầu năm, đạt 24,460 VND (HM:VND) vào cuối năm. Áp lực tỷ giá sẽ là yếu tố kìm hãm xu hướng giảm của lãi suất trong thời gian tới, mặc dù khi so sánh tương quan với các nền kinh tế khác thì mức độ mất giá của VND vẫn ở trong tầm kiểm soát”, KBSV nhấn mạnh.
Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết
Bộ phận phân tích đã điều chỉnh dự phóng tăng trưởng EPS 2023 toàn thị trường thêm 50 điểm cơ bản so với lần dự phóng ở báo cáo gần nhất, lên mức 1% so với cùng kỳ.
Dù đây là mức tăng trưởng thấp so với mức tăng bình quân 10-20% (so với cùng kỳ năm trước) trong quá khứ, nhưng đã phản ánh kỳ vọng vào sự phục hồi của các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm, trong bối cảnh lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết đã sụt giảm 11.6% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm.
Một số yếu tố giúp lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ có sự phục hồi trong 6 tháng cuối năm khi so với cùng kỳ đến từ 1) mức nền so sánh của nửa cuối năm 2022 thấp hơn đáng kể so với nửa đầu năm khi nền kinh tế bộc lộ nhiều dấu hiệu suy yếu từ quý 3, quý 4 năm ngoái; 2) chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN về đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế VAT, hạ lãi suất… bắt đầu thẩm thấu vào kết quả kinh doanh các doanh nghiệp; 3) lĩnh vực sản xuất có dấu hiệu hồi phục tốt trong các tháng gần đây và kỳ vọng tăng tốc trong các tháng cuối năm nhờ mùa tiêu dùng cao điểm ở Mỹ và EU, cũng như trạng thái hàng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ đã giảm mạnh.
Nhóm công nghiệp được dự báo dẫn dắt tăng trưởng EPS chung toàn thị trường với mức tăng 75% so với cùng kỳ. Cổ phiếu nhóm ngành năng lượng có thể đạt 72% so với cùng kỳ, dựa trên các dự báo về giá dầu thô từ nay đến cuối năm có thể đạt trên ngưỡng 85 USD/thùng. Ngành công nghệ thông tin duy trì tăng trưởng ổn định, dự báo tăng 10%.
Riêng với ngành tài chính, dự phóng tăng trưởng EPS được hạ từ 9% trong báo cáo chiến lược gần nhất xuống còn 7%, do triển vọng tăng trưởng tín dụng trong năm nay của nhóm ngân hàng cũng như áp lực trích lập dự phòng về chất lượng tài sản.
Hệ thống KRX là bước tiến gần hơn đến với nâng hạng thị trường
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ tiến hành kiểm thử đợt cuối cùng trong tháng 11 và hoàn thành các công tác chuẩn bị hệ thống vào ngày 25/12 để sẵn sàng triển khai. Việc hệ thống giao dịch KRX chính thức đưa vào hoạt động được xem là tiền đề quan trọng cho việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, cũng như cho phép thực hiện nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về (T0).
Hệ thống KRX là cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm, Central Clearing Counterparty (CCP) và từ đó, giải quyết một trong những nút thắt trọng yếu của việc lên hạng là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding).
Việc nâng hạng thị trường giúp cho TTCK Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư đến từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Trong đó, tác động sớm và rõ nét nhất là việc mua vào của các quỹ ETF đang sử dụng bộ chỉ số MSCI Emerging Markets Index và FTSE EM làm tham chiếu.
Theo một số nghiên cứu ước tính, việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ USD.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý việc CCP hoạt động sẽ chỉ giải quyết 1 trong những nút thắt, còn yếu tố liên quan đến rào cản với nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần thêm các động thái mạnh mẽ hơn từ cơ quan điều hành. Theo đó, việc nâng hạng nhiều khả năng phải chờ ít nhất đến năm 2025 mới được thông qua”, KBSV lưu ý.
Ngoài ra, theo thông tin từ HOSE, hệ thống giao dịch KRX sẽ cho phép nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về (giao dịch T0) được triển khai ngay từ thời điểm ban đầu, giúp đẩy nhanh vòng quay tiền lưu thông trong hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư trên thị trường.
“Chúng tôi kỳ vọng việc triển khai hệ thống KRX mới có thể giúp giá trị giao dịch 1 phiên của VN-Index tăng gần gấp đôi so với trung bình 5 năm trở lại đây, tương ứng mức 19 ngàn tỷ đồng/phiên”, KBSV cho biết.
Nhóm ngành chứng khoán được kỳ vọng là nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp từ việc triển khai hệ thống và tiếp theo là các cổ phiếu vốn hoá hớn thuộc VN30.
Fed và rủi ro suy thoái tại Mỹ
Lạm phát tại Mỹ dự kiến tiếp tục kéo dài trước ảnh hưởng của đà tăng giá năng lượng cũng như việc đẩy mạnh chi tiêu của Chính phủ. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong khoảng thời gian dài hơn, kéo theo là đà tăng lợi suất của TPCP Mỹ, đang làm gia tăng rủi ro suy thoái tại Mỹ nói riêng và dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra khỏi các nền kinh tế ngoài Mỹ nói chung.
Theo đó, kinh tế Việt Nam cũng như TTCK sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ (1) việc biến động mạnh của tỷ giá khiến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam cũng như thanh khoản tiền đồng trong nền kinh tế sụt giảm; (2) nhu cầu tiêu thụ hàng xuất khẩu của Việt Nam suy yếu khiến triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết kém khả quan và (3) việc bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ gây cản trở lên đà hồi phục của thị trường.
KBSV lưu ý: “Đối với Việt Nam, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu của Mỹ cũng như chỉ số DXY tiếp tục tăng, áp lực lên tỷ giá USD/VND trong quý 4/2023 sẽ rất lớn nếu chênh lệch lãi suất của hai nước duy trì ở mức cao như thời điểm hiện tại. Trong kịch bản tiêu cực, DXY không sớm hạ nhiệt, NHNN cần can thiệp bằng cách bán dự trữ ngoại hối nhằm kiểm soát tỷ giá, làm giảm lượng tiền đồng lưu thông trong hệ thống và tác động đến thanh khoản của thị trường nói chung”.
Theo Vietstock